Search

Điểm mới sửa đổi/điều chỉnh/bổ sung trong quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường ĐH Nha Trang

Trường ĐH Nha Trang ban hành văn bản sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung 11 điều trong Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành tại QĐ số 771/QĐ-ĐHNT ngày 04/7/2022.

Điểm mới sửa đổi/điều chỉnh/bổ sung trong quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường ĐH Nha Trang

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Quyết định số 771/QĐ-ĐHNT ngày 04/7/2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang, cụ thể như sau:

1. Điều chỉnh Điều 5 như sau:

“Điều 5. Khối lượng và cấu trúc chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ

1. Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ có khối lượng 60 tín chỉ.

2. Cấu trúc CTĐT trình độ thạc sĩ gồm các khối kiến thức: tổng quát, kiến thức cơ sở và chuyên ngành, nghiên cứu khoa học (đối với chương trình định hướng nghiên cứu); thực tập, trải nghiệm sản xuất và nghiên cứu ứng dụng hoặc triển khai (đối với chương trình định hướng ứng dụng); luận văn thạc sĩ (đối với chương trình định hướng nghiên cứu) hoặc học phần tốt nghiệp (có thể là đề án, đồ án hoặc dự án đối với chương trình định hướng ứng dụng).”.

2. Sửa đổi, bổ sung điểm b và c khoản 2 Điều 11 như sau:

“Điều 11. Kế hoạch học tập

c) Từ năm học thứ 2, học viên tiếp tục học các học phần chuyên ngành và bắt đầu một số học phần nghiên cứu (đối với chương trình định hướng nghiên cứu); tiếp tục tự học ngoại ngữ (nếu chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ), đi thực tập, trải nghiệm sản xuất hoặc triển khai ứng dụng thực tế (đối với chương trình định hướng ứng dụng) và thực hiện luận văn/đề án/đồ án tốt nghiệp thạc sĩ;”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 như sau:

“Điều 12. Tổ chức lớp học

2. Lớp học phần

a) Lớp học phần được tổ chức cho những học viên đăng ký học cùng một học phần trong một học kỳ

b) Điều kiện để tổ chức lớp học phần là có tối thiểu 10 học viên đăng ký đối với nhóm ngành kinh tế, kinh doanh, quản lý; 05 học viên đối với các nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, thủy sản;

c) Nếu chưa mở được lớp học phần, học viên phải chờ và học với khóa sau đối với học phần bắt buộc, chọn lại trong số học phần đủ điều kiện mở lớp hoặc đăng ký học với khóa sau nếu là học phần tự chọn;

d) Lớp học phần có tối đa 45 học viên;

đ) Các trường hợp khác do Hiệu trưởng quyết định.”.

4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 22 như sau:

“Điều 22. Thực hiện Chuyên đề nghiên cứu và Thực tập

1. Nghiên cứu khoa học là thành phần bắt buộc trong chương trình thạc sĩ định hướng nghiên cứu nhằm giúp người học tiếp cận với công việc nghiên cứu khoa học thông qua các chuyên đề nghiên cứu được thiết kế trong chương trình đào tạo. Chuyên đề nghiên cứu được tổ chức dạy và học như các học phần khác trong chương trình đào tạo trong đó nội dung học tập dưới dạng các chủ đề mang tính chuyên đề; khuyến khích giảng dạy bằng chế độ đồng giảng với hai hay nhiều giảng viên; tăng cường sự tự học, tự nghiên cứu và làm thí nghiệm của học viên.”

5. Sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 2, Điều 24 như sau:

“Điều 24. Tổ chức xét duyệt đề tài luận văn hoặc đề án/đồ án

b) Hội đồng xét duyệt đề cương đề án tốt nghiệp có 04 thành viên bao gồm: chủ tịch, thư ký và 2 ủy viên phản biện.”.

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 25 như sau:

“Điều 25. Điều kiện được giao luận văn hoặc đề án/đồ án

2. Đã tích lũy tối thiểu 1/2 tổng số tín chỉ của chương trình đào tạo.” 

7. Sửa đổi khoản 3 Điều 26 như sau:

“Điều 26. Giao luận văn hoặc đề án/đồ án

3. Thời gian thực hiện đề tài luận văn hoặc đề án/đồ án tính từ ngày ký quyết định giao luận văn hoặc đề án/đồ án, đáp ứng quy định tại khoản 4 Điều 34 và không vượt quá thời gian đào tạo toàn khóa quy định tại Điều 4 của Quy chế này.”.

8. Sửa đổi Điều 34 như sau:

“Điều 34. Điều kiện được bảo vệ luận văn hoặc đề án tốt nghiệp

Học viên được bảo vệ luận văn hoặc đề án/đồ án tốt nghiệp nếu thoả mãn các điều kiện sau:

1. Đã tích lũy đủ số tín chỉ các học phần theo quy định của chương trình đào tạo, có điểm trung bình chung tích lũy từ 5,5 trở lên.

2. Không đang trong thời gian chịu kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Không bị khiếu nại, tố cáo về nội dung khoa học trong luận văn hoặc đề án/đồ án.

4. Thời gian thực hiện luận văn ít nhất 06 tháng, thời gian thực hiện đề án/đồ án ít nhất 03 tháng, tính từ ngày có quyết định giao luận văn hoặc đề án/đồ án.

5. Luận văn hoặc đề án/đồ án được trình bày theo đúng quy định của Trường về nội dung và hình thức.

6. Được người hướng dẫn đồng ý cho bảo vệ.

7. Đóng đủ học phí toàn khóa theo quy định của Trường.”.

9. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và 9 Điều 35 như sau:

“Điều 35. Hồ sơ bảo vệ luận văn hoặc đề án/đồ án tốt nghiệp

1. Đơn đề nghị bảo vệ luận văn hoặc đề án/đồ án tốt nghiệp và cam kết về kết quả nghiên cứu trung thực, đồng thời phải có ý kiến đồng ý cho bảo vệ của người/tập thể người hướng dẫn;

9. Bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của chương trình đào tạo (nếu có).”.

10. Sửa đổi khoản 1, 2 Điều 36 như sau:

“Điều 36. Hội đồng đánh giá luận văn, đề án/đồ án tốt nghiệp

1. Hội đồng đánh giá luận văn có 05 thành viên, gồm: chủ tịch, thư­ ký, 02 phản biện và 01 uỷ viên; trong đó ít nhất 01 phản biện là người ngoài cơ sở đào tạo, chủ tịch và thư ký phải là giảng viên cơ hữu của Trường.

2. Hội đồng đánh giá đề án tốt nghiệp có 04 thành viên, gồm: chủ tịch, thư­ ký và 02 uỷ viên phản biện. Thành viên hội đồng ngoài Trường (nếu có) chỉ đảm nhận chức trách phản biện.”.

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 56 như sau:

“Điều 56. Điều kiện tốt nghiệp

Học viên có đủ điều kiện tốt nghiệp nếu:

  1. Bảo vệ luận văn hoặc đề án/đồ án đạt yêu cầu.
  2. Hoàn thành nộp luận văn hoặc đề án/đồ án về Thư viện Trường theo quy định tại Điều 42 của Quy chế này.
  3. Đóng đủ học phí toàn khóa và kinh phí bổ sung (nếu có) theo quy định của Trường.
  4. Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không trong thời gian bị kỷ luật, đình chỉ học tập.
  5. Đã bảo vệ luận văn hoặc đề án/đồ án tối thiểu 01 tháng và trong thời gian đào tạo cho phép theo quy định tại Điều 4 của Quy chế này.
  6. Đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra của chương trình đào tạo, được minh chứng bằng một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục của Quy chế này hoặc các chứng chỉ tương đương khác được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài, hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành khác mà chương trình được thực hiện hoàn toàn bằng ngôn ngữ nước ngoài.”.

Xem toàn văn Quy chế hợp nhất tại đây.

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cho Trường ĐH Nha Trang