E-Learning – phương pháp dạy và học hiệu quả trong thời đại công nghệ số
(ĐHVH) - E-Learning là một phương thức dạy học mới dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT). Với E-Learning, việc học là linh hoạt mở. Người học có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, với bất cứ ai, học những vấn đề bản thân quan tâm, phù hợp với năng lực và sở thích, phù hợp với yêu cầu công việc… mà chỉ cần có phương tiện là máy tính và mạng Internet. Phương thức học tập này mang tính tương tác cao, sẽ hỗ trợ bổ sung cho các phương thức đào tạo truyền thống góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
Việc nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục đào tạo là một trong những nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của đất nước và cá nhân. E-Learning sẽ là một phương thức dạy và học rất phù hợp trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xã hội. Mô hình này đã tạo ra những yếu tố thay đổi sâu sắc trong giáo dục, yếu tố thời gian và không gian sẽ không còn bị ràng buộc chặt chẽ, người học tham gia học tập mà không cần đến trường. Sự chuyển giao tri thức không còn chiếm vị trí hàng đầu của giáo dục, người học phải học cách truy tìm thông tin bản thân cần, đánh giá và xử lí thông tin để biến thành tri thức qua giao tiếp.
Thuật ngữ E-Learing đã trở nên quen thuộc trên thế giới trong một vài thập kỉ gần đây. Cùng với sự phát triển của tin học và truyền thông, các phương thức giáo dục ngày càng được cải tiến nâng cao chất lượng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người học. Ngay từ khi mới ra đời, E-Learning đã xâm nhập vào hầu hết các hoạt động huấn luyện và đào tạo của các nước trên thế giới, được chứng minh qua sự thành công của hệ thống giáo dục hiện đại có sử dụng phương pháp E-Learning của nhiều quốc gia như Mĩ, Anh, Nhật…
1.1 Khái niệm E-Learning
E-Learning (viết tắt của Electronic Learning) là thuật ngữ mới.
Hiện nay, theo các quan điểm và dưới các hình thức khác nhau có rất nhiều cách hiểu về E-Learning.
Hiểu theo nghĩa rộng, E-Learning là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông, đặc biệt là công nghệ thông tin.
Theo quan điểm hiện đại, E-Learning là sự phân phát các nội dung học sử dụng các công cụ điện tử hiện đại như máy tính, mạng vệ tinh, mạng Internet, Intranet,… trong đó nội dung học có thể thu được từ các website, đĩa CD, băng video, audio… thông qua một máy tính hay tivi; người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng dưới các hình thức như: thư điện tử (e-mail), thảo luận trực tuyến (chat), diễn đàn (forum), hội thảo, video…
1.2 Lịch sử phát triển
Gắn với sự phát triển của CNTT và phương pháp giáo dục đào tạo, quá trình phát triển của E-Learning có thể chia ra làm bốn thời kì như sau:
Trước năm 1983: Thời kì này, máy tính chưa được sử dụng rộng rãi, phương pháp giáo dục “lấy giảng viên làm trung tâm” là phương pháp phổ biến nhất trong các sở giáo dục.
Giai đoạn 1984 – 1993: Sự ra đời của hệ điều hành Window 3.1, máy tính Mantosh, phần mềm máy tính trình chiếu PowPoint, cùng các công cụ phương tiện khác đã mở ra một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên đa phương tiện, cho phép tạo ra những bài giảng có tích hợp âm thanh và hình ảnh dựa trên công nghệ Computer Base Training (CBT). Bài học được phân phối qua đĩa CD – ROM hoặc đĩa mềm. Vào bất cứ thời gian nào, ở đâu người học có thể mua và tự học. Tuy nhiên, sự hướng dẫn của GV là rất hạn chế.
Giai đoạn 1993 – 1999: Công nghệ Web được phát minh. Các chương trình E-mail, Web, Video tốc độ thấp cùng với ngôn ngữ Web như HTML, JAVA bắt đầu trở nên thông dụng và đã làm thay đổi bộ mặt giáo dục đào tạo bằng đa phương tiện.
Giai đoạn 2000 - đến nay: Các công nghệ tiên tiến bao gồm JAVA và các ứng dụng mạng IP, công nghệ truy cập mạng và băng thông Internet rộng, các công nghệ thiết kế Web đã trở thành cuộc cách mạng trong giáo dục và đào tạo.
Ngày nay, thông qua Web, người dạy có thể hướng dẫn trực tuyến (hình ảnh, âm thanh, các công cụ trình diễn) tới mọi người học. Điều này đã tạo ra một cuộc cách mạng trong đào tạo với giá thành rẻ, chất lượng cao và hiệu quả. Đó chính là kỉ nguyên của E-Learning.
1.3 Đặc điểm của E-Learning
Dựa trên CNTT & TT: cụ thể là công nghệ mạng kĩ thuật đồ họa, kĩ thuật mô phỏng, công nghệ tính toán…
E-Learning bổ sung rất tốt cho phương pháp học truyền thống do tính tương tác cao dựa trên multimedia, tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn, và cũng đưa ra những nội dung học tập phù hợp với khả năng và sở thích của từng người.
1.4 Ưu, nhược điểm của E-Learning
* Ưu điểm:
Không bị giới hạn bởi không gian và thời gian: sự phổ cập rộng rãi của internet đã dần xóa đi khoảng cách về thời gian và không gian cho E-Learning. Người học có thể chủ động học tập, thảo luận bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.
Tính hấp dẫn: Với sự hỗ trợ của công nghệ multimedia, những bài giảng tích hợp text, hình ảnh minh họa, âm thanh làm tăng thêm tính hấp dẫn của bài học.
Tính linh hoạt: Người học có thể tự điều chỉnh quá trình học, lựa chọn cách học phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình.
Tính cập nhật: Nội dung bài học thường xuyên được cập nhật và đổi mới nhằm đáp ứng tốt nhất và phù hợp nhất với người học.
Học có sự hợp tác, phối hợp: Người học có thể dễ dàng trao đổi thông tin với nhau, với giảng viên qua các diễn đàn (forum), hội thoại, trực tuyến (chat), thư từ (e – mail)…
Tâm lí dễ chịu: Mọi rào cản về tâm lí giao tiếp của cả người dạy và người học dần dần bị xóa bỏ, mọi người tự tin hơn trong việc trao đổi quan điểm.
Các kĩ năng làm việc hợp tác, tự điều chỉnh để thích ứng của người học sẽ được hoàn thiện không ngừng.
Do đó, khi đến với E-Learning, mọi thành phần, không phân biệt trình độ, giới tính tuổi tác đều có thể tìm cho mình một hướng tiếp cận khác nhau với vấn đề mà không bị ràng buộc trong một khuôn khổ cụ thể nào (cá nhân hoặc người học).
* Nhược điểm:
Sự giao tiếp cần thiết giữa người dạy và người học bị phá vỡ. Người học sẽ không được rèn kĩ năng giao tiếp xã hội.
Đối với những môn học mang tính thực nghiệm, E-Learning không thể đáp ứng yêu cầu môn học, không rèn được cho người học thao tác thực hành thí nghiệm, kĩ năng nghiên cứu thực nghiệm.
1.5 E–Learning cho giáo dục ở Việt Nam
* Những chủ trương và giải pháp lớn
CNTT đối với giáo dục Việt Nam phát triển mạnh mẽ khi bước vào thế kỉ 21. Chỉ thị 58 – CT/TW ngày 17/02/2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nêu rõ “Đẩy mạnh công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học, các ngành học. Phát triển các hình thức đào tạo từ xa phục vụ cho nhu cầu học tập của toàn xã hội. Đặc biệt, tập trung phát triển mạng máy tính phục vụ cho giáo dục và đào tạo, kết nối mạng internet tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo”.
Thực hiện Chỉ thị số 29 (năm 2001) về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn giáo dục 2002 – 2003 và Chỉ thị số 55 (năm 2008) về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn giáo dục 2008 – 2012, trong những năm qua, hạ tầng CNTT trong ngành giáo dục được đầu tư mạnh mẽ với việc hoàn thành “mạng giáo dục Edunet” năm 2010 (chương trình hợp tác giữa Bộ giáo dục và đào tạo với tập đoàn viên thông quân đội viettel), kết nối Internet băng thông rộng đến tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học. Nhiều trường đại học, cao đẳng đã trang bị hạ tầng CNTT, thiết bị dạy học hiện đại và từng bước triển khai E-Learning. Một số khóa học trực tuyến, dạy học qua mạng được mở ra.
Chủ trương của Bộ giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn tới là tích cực triển khai các hoạt động xây dựng một xã hội học tập mà ở đó mọi công dân (từ THPT, SV, các tầng lớp người lao động…) đều có cơ hội được học tập, bất cứ lúc nào (any time), bất cứ nới đâu (any where) và học tập suốt đời (life long learning). Để thực hiện được mục tiêu trên, E-Learning có một vai trò chủ đạo trong việc tạo ra một môi trường học tập ảo.
* Một số khó khăn khi triển khai E – Learning ở Việt Nam.
Một là: Về xây dựng nguồn tài nguyên bài giảng: Để soạn bài giảng E-Learning có chất lượng đòi hỏi tốn nhiều công sức của giảng viên. Hiện nay chế độ hỗ trợ chưa phù hợp với công sức bỏ ra để soạn bài giảng E- Learning, vì vậy chưa khuyến khích được giảng viên. Đời sống của giảng viên gặp nhiều khó khăn, áp lực thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục… hậu quả là giảng viên không có thời gian đầu tư cho E-Learning. Nhiều giảng viên giỏi về chuyên môn và khả năng sư phạm, sử dụng phần công nghệ (ghi hình, thu âm, sử dụng phần mềm) còn hạn chế nên chưa phát huy được đội ngũ này.
Hai là: Về phía người học: Học tập theo phương pháp E-Learning đòi hỏi người học phải có tinh thần tự học, do ảnh hưởng của cách học thụ động truyền thống, tâm lí học phải có thầy (không thầy đố mày làm nên), nội dung quá tải tại trường… dẫn đến việc tham gia học E-Learning chưa trở thành động lực học tập. Nhiều sinh viên nghèo, nhất là ở vùng sâu vùng xa, chưa thể trang bị máy vi tính kết nối Internet, nhiều thông tin trên mạng Internet dẫn đến gia đình lo lắng khi con em mình vào mạng cũng là lí do hạn chế E-Learning.
Ba là: Về cơ sở vật chất: Đòi hỏi phải có hạ tầng CNTT đủ mạnh, có đường truyền cáp quang, xây dựng Website trường học và Website E-Learning hoàn chỉnh chi phí cao, nếu không tận dụng hết khả năng của Web sẽ gây lãng phí.
Bốn là: Về nhân lực phục vụ Website E – Learning: Cần có cán bộ chuyên trách phục vụ sự hoạt động của hệ thống E-Learning. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại chưa có cơ hế hoạt động này ở các trường.
* Đề xuất giải pháp
Trên những cơ sở bước đầu và thực trạng E-learning của sinh viên Việt Nam chúng tôi đề xuất giải pháp sau:
Thứ nhất: Về nhận thức: Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và cao đẳng, các cơ sở giáo dục cần xác định E-Learning là một chiến lược trong giáo dục mới hướng tới xã hội học tập. Cần triển khai, tuyên truyền, nhân rộng E-Learning không chỉ có ngành giáo dục mà còn với toàn xã hội. Bộ và các trường tăng cường hợp tác doanh nghiệp trong việc xây dựng các Website E-Learning của các nước.
Thứ hai: Tăng cường tập huấn về phương pháp, kĩ năng, sử dụng tổng hợp nhiều hợp phần để tạo bài giảng E-Learning.
Thứ ba: Đầu tư trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí cho giảng viên trong việc tạo bài giảng.
Thứ tư: Các trường phổ hướng đến online hóa trường học bao gồm online về quản lí, điều hành, tác nghiệp và online về dạy học. Website trường học phải trở thành địa chỉ thân thiện với cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên. Hướng dẫn phương pháp tự học, học tập và trao đổi qua mạng cho người học. Đây là kĩ năng cần thiết để học tập ở các trường ĐH và giáo dục nghề nghiệp.
Thứ năm: Vai trò của giảng viên là rất quan trọng trong việc triển khai E-Learning. Vì vậy, giảng viên không chỉ nắm bắt được phương pháp học tập mà còn là người tạo ra bài giảng phục vụ cho giảng dạy, các bài giảng E-Learning phục vụ cho tự học của người học. Phải có hình thức đào tạo đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu dạy học hiện đại nhất: như có khả năng ứng dụng CNTT vào dạy học, có khả năng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, và quan trọng hơn cả là năng lực tự học, tự nghiên cứu khoa học. Vì đó là nền tảng quan trọng để người giảng viên không bị tụt hậu so với thời đại.
Như vậy, E-Learning có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp dạy học truyền thống, tạo ra được một môi trường rất tốt phục vụ cho phương pháp dạy học tương tác, cá nhân hóa người học. Tuy vậy, với những nhược điểm nêu trên, E – Learning cũng không phải là một giải pháp hoàn hảo và cũng không thể thay thế hoàn toàn phương pháp học truyền thống.
Vì vậy, một giải pháp kết hợp là sử dụng E – Learning và những phương pháp giảng dạy truyền thống song song. Người học có thể thực hiện mọi hoạt động học tập có thể trên E-Learning, tham gia như đang học trên một khóa học thực sự. Trừ giờ thực hành, thí nghiệm sẽ phải lên phòng thí nghiệm để tiếp cận thực sự với công việc. Ngoài ra, có thể gặp giảng viên trong một số buổi để thảo luận, trao đổi và giải quyết một số vấn đề nhằm mục đích rèn luyện kĩ năng giao tiếp xã hội.
E-Learning đang là xu hướng chung của giáo dục thế giới. Việc triển khai E-Learning trong giáo dục đào tạo là một xu hướng tất yếu nhằm đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận với giáo dục thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Giáo dục - Đào tạo (1997). Công nghệ thông tin trong Giáo dục và Đào tạo: Tài liệu hội nghị / Ban Công nghệ thông tin.
2. Bộ Giáo dục - Đào tạo (2005). Phát triển năng lực thông qua phương pháp và phương tiện dạy học mới: Tài liệu hội thảo tập huấn dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông.
3. Bùi Thanh Giang. Các công nghệ đào tạo từ xa và e-learning/ Bùi Thanh Giang, Chu Quang Toàn, Đào Quang Chiểu . – H.: Nxb Bưu Điện, 2004.
4. Nguyễn Thế Hùng. Internet và đời sống . – H.: Nxb Thống kê, 2002.
5. Nguyễn Duy Phương. Nhập môn Internet và E-Learning (www.ebook.edu.vn/ (E-book)).
6. Nguyễn Quang Tấn. Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy các môn tự nhiên ở trường phổ thông/ Nguyễn Quang Tấn, Nguyễn Cam, Lê Nguyễn Trung Nguyên . – H.: Nxb Đại học Sư phạm, 2002.