Search

Đào tạo theo tín chỉ ở Mỹ

Khi học hết bậc phổ thông, ở lứa tuổi 18, nói chung người ta khó có thể đưa ra một lựa chọn nghề nghiệp mà sau đó người ta thấy là đúng đắn trong suốt cả cuộc đời. Khi buộc phải chọn, nhiều người có thể chọn sai, và một số năm sau đó họ có nhu cầu chọn lại. Hệ thống đào tạo theo tín chỉ có ưu điểm rõ rệt là nó dành cho người học một sự tự chủ và quyền tự quyết rất lớn.
Đào tạo theo tín chỉ ở Mỹ

ĐÀO TẠO THEO TÍN CHỈ Ở MỸ

NGUYỄN HỮU VIỆT HƯNG

Đặc điểm có lẽ là lớn nhất của đào tạo theo tín chỉ là: Phần lớn sinh viên trong những năm học đầu đều chưa biết và không nhất thiết phải xác định họ sẽ theo học ngành nào (Khoa học cơ bản, Công nghệ, Kinh tế, Luật, Y, Dược, Kiến trúc, Nông nghiệp…) Họ cứ vừa học vừa tự tìm hiểu thiên hướng nghề nghiệp của chính mình. Chỉ tới khoảng cuối năm thứ hai hoặc năm thứ ba họ mới cần định hướng ngành học của mình bằng những tín chỉ nhất định mà họ chọn lựa. Cứ có “đủ bộ” tín chỉ của một ngành học nào đó thì họ được cấp bằng tốt nghiệp của ngành học ấy. Nếu muốn chuyển từ một ngành này sang một ngành khác, họ chỉ cần tự thay đổi một số tín chỉ, chứ không phải học lại từ đầu. Ở nước ta, dù đang định triển khai đào tạo theo tín chỉ, nhưng đặc điểm mấu chốt này của hệ thống đào tạo đó lại chưa bao giờ được ý thức, bàn thảo, nhằm thực thi đầy đủ.

Bắt đầu một học kỳ của sinh viên

Ở Mỹ, bắt đầu một học kỳ mỗi sinh viên tự quyết định các môn mà mình sẽ theo học trong học kỳ đó, nhằm thu được một số tín chỉ nhất định. Nếu học ít môn quá, thì thời gian học sẽ kéo dài, tăng phí tổn, và khó được nhận học bổng. (Học bổng được quyết định trên cơ sở số tín chỉ và kết quả của các tín chỉ mà sinh viên thu được trong học kỳ trước.) Nếu học nhiều môn quá thì sinh viên không đủ sức lực và thời gian. Tất nhiên, mỗi môn học đều có đòi hỏi tiên quyết về những môn sinh viên phải học trước đó. Trong mỗi học kỳ, mỗi môn học đều được giảng bởi nhiều giáo sư khác nhau, ở nhiều lớp khác nhau, tại nhiều thời điểm khác nhau. Sinh viên được quyền đăng ký vào học ở một trong các lớp này, chủ yếu dựa trên sự phù hợp về thời gian của họ với thời gian biểu của lớp học. Nhớ rằng nhiều sinh viên vừa đi làm (full time hoặc part time) vừa đi học. Số sinh viên của mỗi lớp học thường được giữ cho không vượt quá 40 hoặc 50 người (tùy đại học). Vì thế, nếu đăng ký muộn, sinh viên có thể không được xếp vào lớp mà anh ta muốn. Sinh viên được quyền học thử trong khoảng 1-2 tuần (tùy từng đại học), sau thời gian thử đó, sinh viên có thể xin đổi lớp (để có thời gian biểu phù hợp hơn, hoặc để được học một giáo sư mà người đó thích), hoặc xin thôi học môn này mà vẫn được hoàn lại học phí. Việc xin đổi lớp phải được sự đồng ý của giáo sư dạy ở lớp mà sinh viên muốn chuyển tới, và phải được giáo vụ chuẩn y.

Những ràng buộc và hỗ trợ đối với giáo sư khi nhận một môn học

Mỗi môn học đều có Đề cương (syllabus) do Khoa quy định và được đưa lên mạng từ trước. Đề cương này nêu rõ: Học theo sách nào, học những chương nào, những tiết nào bắt buộc, những tiết nào tùy chọn, mỗi chương và mỗi tiết chiếm thời lượng xấp xỉ bao nhiêu… Trên thực tế, nếu làm đúng như đề cương đòi hỏi, thì bài giảng của các giáo sư khác nhau cũng không khác nhau nhiều, và chất lượng của môn học đã được đảm bảo chắc chắn. Khoa cử một giáo sư có nhiều kinh nghiệm làm điều phối viên cho mỗi môn học. Nhiệm vụ của người này là trả lời những thắc mắc của các giáo sư ít kinh nghiệm hơn, thống nhất quan điểm của các giáo sư cùng dạy môn này, và nhắc nhở mọi người về thời gian các kỳ thi giữa và cuối kỳ. Họ thường làm tất cả những trao đổi này qua email, chứ không cần họp hành. Khi nhận phân công giảng dạy một môn học, mỗi giáo sư được thông báo thông qua mạng thời gian và địa điểm dạy, thời gian và địa điểm thi hết môn. Giáo vụ của cả đại học lập ra lịch thi theo nguyên tắc rất công nghiệp, kiểu như sau: tất cả những môn (trong toàn trường) học vào lúc T giờ các ngày Thứ A và Thứ B đều thi vào ngày X lúc Y giờ. Mỗi giáo sư được giao một trợ lý, làm việc chấm bài tập về nhà cho môn học mà mình dạy. Người này thường là sinh viên giỏi của năm trên, được đại học thuê làm một phần thời gian. Nhiệm vụ của người này là chấm bài tập và lên điểm. Cuối học kỳ giáo sư đánh giá chất lượng công việc của người trợ lý. Trên cơ sở đó, Khoa sẽ quyết định có tiếp tục thuê người này nữa hay thôi.

Đề cương (syllabus) môn học của giáo sư

Trước khi môn học bắt đầu, giáo sư phải soạn một đề cương chi tiết, phát bản in của nó cho mỗi sinh viên trong buổi học đầu tiên và đưa nó lên trên mạng. Nội dung của đề cương ngoài những quy định chung của đại học (chẳng hạn như nội dung của môn học, sách tham khảo chính, thời gian và địa điểm kỳ thi hết môn…) là những quy định riêng của giáo sư đó đối với sinh viên. Đề cương môn học của giáo sư khác với đề cương môn học của Khoa và phải chi tiết hơn.
Điểm của môn học được quyết định dựa trên điểm bài tập về nhà, điểm của hai kỳ thi giữa học kỳ, và điểm kỳ thi hết môn. Giáo sư được quyền quyết định tỷ lệ phần trăm của những điểm thành phần nói trên trong điểm của môn học. Thời điểm thi của các kỳ thi giữa học kỳ do giáo sư tự quyết định, và thường được thông báo ngay từ đầu học kỳ, trong syllabus của giáo sư.
Giáo sư phải bố trí cho mỗi lớp mình dạy mỗi tuần khoảng 2-3 lần, mỗi lần 1 giờ, cái gọi là “thời gian văn phòng”. Đó là lúc mà giáo sư có nghĩa vụ phải ở phòng làm việc của mình, để cho sinh viên có thể tới hỏi bài. Mỗi giáo sư ở Mỹ đều có phòng làm việc riêng, nên chuyện này không có gì phiền phức. Sinh viên cũng có thể liên hệ với giáo sư qua email hoặc điện thoại để hẹn giờ hỏi bài riêng, nếu họ bận đột xuất vào “thời gian văn phòng”. Giáo sư thông báo địa chỉ trang web cá nhân, nơi sinh viên nhận bài tập và những lời dặn mỗi tuần, thông báo thời gian nhận và trả bài tập về nhà hàng tuần. Tất cả những thông tin trên đây đều được viết rõ ràng và chi tiết trong đề cương môn học của riêng giáo sư, và được đưa lên mạng từ đầu học kỳ.

Việc dạy và học

Một số đại học của Mỹ chia một năm thành 4 học kỳ, gọi là semester hay quarter, mỗi học kỳ 3 tháng (bao gồm 10 tuần học, 2 tuần thi, chấm thi và lên điểm, 1 tuần nghỉ chuyển tiếp, tổng cộng 13 tuần). Sinh viên có thể học 3 hoặc 4 học kỳ một năm. Một số đại học khác lại chia một năm thành 3 học kỳ, gọi là semester, mỗi học kỳ 4 tháng (bao gồm 14 tuần học, 2 tuần thi, chấm thi và lên điểm, 1 tuần nghỉ chuyển tiếp, tổng cộng 17 tuần). Sinh viên có thể học 2 hoặc 3 học kỳ một năm. Trên nguyên tắc, người ta khuyến khích giáo sư đối thoại với sinh viên trong lúc giảng bài, nhưng việc giảng bài trên lớp tại Mỹ về cơ bản không khác với việc giảng bài tại Việt Nam (ít nhất là về môn toán). Điểm khác căn bản có thể là ở chỗ sinh viên Mỹ không thích nói quá nhiều về lý thuyết, họ quan tâm và đòi hỏi bài giảng lý giải ý nghĩa và ứng dụng thực tế của vấn đề. Họ cũng chú trọng các kỹ năng thực hành. Họ có thể bình tĩnh khi chưa thấu đáo ý nghĩa lý thuyết của vấn đề, nhưng nếu họ không làm được bài tập thì họ sẽ kéo đến rất đông trong giờ văn phòng của giáo sư. Hàng tuần sinh viên nhận bài tập được giao trên mạng. Bài tập có thể gồm 2 loại, một loại dành cho luyện tập và không phải nộp, một loại khác sinh viên phải nộp lại cho giáo sư vào thời điểm đã hẹn của tuần tiếp theo. Giáo sư chuyển các bài tập vào hòm thư của mình để người trợ lý tới lấy, chấm bài, lên điểm và chuyển lại vào hòm thư cho giáo sư.
Việc thường xuyên có mặt tại lớp không phải một nghĩa vụ của sinh viên. Do đó, việc điểm danh sinh viên đi học tự nó trở nên vô nghĩa. Giáo sư có thể giao một vài vấn đề cho sinh viên tự đọc. Tuy nhiên, ít nhất là đối với môn toán, những vấn đề này thường là không cốt yếu, và không cần dùng tới trong phần còn lại của giáo trình. Tôi không hề thấy giờ tự học của sinh viên được ghi trong chương trình của đại học. Sinh viên ở bất cứ đâu, bất cứ thời đại nào cũng phải tự học. Nhưng việc tự học của sinh viên không phải là một bộ phận của chương trình giảng dạy của đại học. Đáng tiếc là ở ĐHQG Hà Nội người ta đang định xếp giờ tự học của sinh viên thành một bộ phận của giờ học chính thức.

Việc thi và chấm thi

Giáo sư tự ra đề, tự coi thi và tự chấm thi tất cả các lần thi giữa kỳ và hết môn. Phòng thi không cần tới 2 người coi. Bài thi không cần dọc phách. Cũng có đại học quy định kỳ thi hết môn đối với các môn học ở năm học đầu do một hội đồng của Khoa ra đề chung. Khi đó, điều kiện cần để hoàn thành môn học này là sinh viên phải đạt ít nhất 50% số điểm của kỳ thi hết môn. Điều kiện đủ thì do giáo sư tự quyết định. Tất cả các bài thi đều là tự luận, không thấy dùng hình thức thi trắc nghiệm.

Quyết định điểm của môn học

Như trên đã nói, mỗi giáo sư được quyền tự quyết định tỷ trọng của điểm bài tập về nhà, điểm của hai kỳ thi giữa học kỳ, và điểm kỳ thi hết môn. trong điểm của môn học. Chẳng hạn, tôi đã cho bài tập về nhà 50 điểm, mỗi trong 2 kỳ thi giữa học kỳ 100 điểm, kỳ thi hết môn 150 điểm, trong tổng số 400 điểm của môn học. Giáo sư cũng có quyền cho phép hoặc không cho phép sinh viên được làm lại bài thi giữa kỳ và nộp cho giáo sư, nhằm ghi thêm điểm. Chẳng hạn, tôi cho phép sinh viên làm như thế để ghi thêm tối đa là 1/3 số điểm mà sinh viên đó bị trừ trong lần thi giữa kỳ chính thức. Tôi nhận thấy rằng làm như thế sinh viên tự nhận ra sai lầm mà họ có thể đã mắc phải trong kỳ thi tốt hơn là để họ theo dõi đáp án của tôi. Một số đại học ghi điểm cuối cùng của môn học bằng 11 bậc, dùng các chữ cái A, B, C, D, kèm theo có thể các dấu cộng hoặc trừ (nhưng không có A+). Một số đại học khác ghi điểm cuối cùng của môn học bằng 41 bậc, từ 0.0 tới 4.0. Việc chuyển thế nào từ điểm cuối cùng (bằng số thông thường) của môn học (chẳng hạn 355/400 điểm) sang thang ghi điểm này cũng do giáo sư tự quyết định. Giáo sư tự lên điểm và gửi bảng điểm cho giáo vụ của đại học một cách trực tiếp, hoặc qua hệ thống thư tín trong đại học, đôi khi cũng có thể gửi qua thư ký của Khoa. Nếu còn lưỡng lự trong việc có nên đánh trượt hay không một sinh viên, giáo sư có thể thông báo trong bảng điểm nộp cho giáo vụ rằng trường hợp này chưa hoàn tất. Sau đó, giáo sư có quyền đòi hỏi sinh viên ấy làm một số bài tập bổ sung, hoặc viết thu hoạch về một vấn đề liên quan đến môn học, trên cơ sở đó mà quyết định điểm môn học cho sinh viên này, rồi thông báo kết quả cho giáo vụ. Nếu bị đánh trượt, sinh viên sẽ phải học lại cả môn, không có chuyện thi lại. Điểm là bí mật cá nhân của mỗi sinh viên. Điểm của mỗi sinh viên được giáo vụ chuyển vào trương mục riêng của sinh viên đó trong hệ thống internet của đại học. Giáo sư có thể thông báo điểm cho từng sinh viên, nhưng không được báo điểm của người này cho người khác.

Sinh viên đánh giá giảng dạy

Cuối học kỳ, trước kỳ thi hết môn, mỗi sinh viên được phát một mẫu “đánh giá giảng dạy”. Sinh viên được nhận xét về những điều bổ ích hay chưa bổ ích của môn học, ưu điểm và nhược điểm của môn học, ưu điểm và nhược điểm của người giảng dạy. Giáo sư không được can thiệp vào đánh giá này. Đây là một hình thức xả “stress” mà các đại học Mỹ dành cho sinh viên. Đại học cũng có thể, trong một chừng mực nhất định, dựa trên những đánh giá của sinh viên để thay đổi một phần nội dung môn học, khiến cho nó dễ được thu nhận hơn. Một số đại học thông báo lại cho giáo sư bản tổng hợp những đánh giá của sinh viên đối với bài giảng của giáo sư này.
Tôi có hỏi một giáo sư người Mỹ: “Nếu một đồng nghiệp mà anh vốn trân trọng bị sinh viên nhận xét là kém, thì anh có tin nhận xét đó không?” Trả lời: “Đương nhiên là không”. Lại hỏi: “Thế thì việc để cho sinh viên đánh giá giảng dạy có phải là một hành động mị dân hay không?”. Trả lời: “Việc này có khởi nguồn liên quan đến cuộc chiến tranh (của Mỹ) ở Việt Nam. Bấy giờ vào khoảng 1967-68, sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam đang đi vào ngõ cụt, cả xã hội Mỹ như một thùng thuốc súng, lúc nào cũng chỉ chực nổ tung. Sinh viên là bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội. Hàng ngày, họ biểu tình, bãi khóa, đốt quốc kỳ, đốt hình tổng thống… Trong bối cảnh đó, các đại học Mỹ nghĩ ra chuyện cho phép sinh viên đánh giá giảng dạy của các giáo sư như một giải pháp nhằm hạ nhiệt cái thùng thuốc súng nói trên. Từ đó, việc này hình thành và tồn tại như một thói quen”. Tôi không rõ lý giải trên của ông bạn đồng nghiệp của tôi có được tất cả nước Mỹ chấp thuận không. Dù sao, tôi cũng ghi lại để mọi người tham khảo.

 

  • Chia sẻ

Bài tiếp tiếp theo

Về phương pháp dạy, học và đánh giá thành quả học tập trong học chế tín chỉ