Search

Về phương pháp dạy, học và đánh giá thành quả học tập trong học chế tín chỉ

Bản chất của học chế tín chỉ là cá thể hóa việc học tập trong một nền giáo dục đại học cho số đông”, các triết lý làm nền tảng cho học chế tín chỉ là “giáo dục hướng về người học” và “giáo dục đại học đại chúng”
Về phương pháp dạy, học và đánh giá thành quả học tập trong học chế tín chỉ

VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY, HỌC VÀ ĐÁNH GIÁ THÀNH

 QUẢ HỌC TẬP TRONG HỌC CHẾ TÍN CHỈ

LÂM QUANG THIỆP

Trong việc áp dụng học chế tín chỉ, có thể nói khâu căn bản nhất và khó nhất là cải tiến phương pháp dạy, học và đánh giá sao cho thích hợp với nó.

Bài này nhằm đưa ra những nhận định rất ngắn gọn về bản chất của học chế tín chỉ và nêu những quan niệm về phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả học tập thích hợp với học chế đó trong thời đại thông tin. Bạn đọc có thể tìm hiểu các luận cứ cụ thể hơn ở các tài liệu dẫn ở cuối bài.

1. Bản chất của học chế tín chỉ:

Năm 1993, khi Vụ Đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đưa học chế tín chỉ vào các trường đại học nước ta, nhiều người còn ngỡ ngàng và không mấy trường đại học hưởng ứng, chỉ có Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận và đi đầu thực hiện. Thế mà ngày nay chẳng những ở nước ta mà nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, người ta nói nhiều về học chế tín chỉ và đang cố gắng đưa học chế tín chỉ vào nhiều trường đại học.

Vậy học chế tín chỉ là gì?

Theo chúng tôi, có thể nói gọn: “bản chất của học chế tín chỉ là cá thể hóa việc học tập trong một nền giáo dục đại học cho số đông”.

Các triết lý làm nền tảng cho học chế tín chỉ là “giáo dục hướng về người học” và “giáo dục đại học đại chúng”. Các triết lý này được vận dụng nhuần nhuyễn trong nền giáo dục đại học của Hoa Kỳ, nơi sinh ra học chế tín chỉ.

2. Các đặc điểm quan trọng của học chế tín chỉ quy định phương pháp dạy, học và đánh giá thành quả học tập:

- Do mục tiêu cá thể hóa việc học tập, học chế tín chỉ có đặc điểm quan trọng nhất là làm cho mỗi người học có thể học theo năng lực và điều kiện của riêng mình. Đặc điểm này buộc người dạy phải sử dụng phương pháp giảng dạy sao cho phát huy được tính chủ động của người học, giúp người học biết cách học để tự học.

- Quan niệm nền tảng của học chế tín chỉ là sự tích lũy kiến thức, quá trình học là quá trình kiến thức được góp nhặt dần dần, tích lũy đến đâu được ghi nhận đến đấy. Với quan niệm đó, học chế tín chỉ chú trọng việc đánh giá thường xuyên để ghi nhận kiến thức, không buộc người học phải học đi học lại những điều đã tích lũy được.

- Đơn vị “tín chỉ” được xác định dựa trên khối lượng lao động học tập của một sinh viên trung bình, và thường được định nghĩa như sau: “nếu môn học có 1 giờ lên lớp trong một tuần kéo dài một học kỳ thì được tính 1 tín chỉ”. Ngoài ra, định nghĩa tín chỉ còn được bổ sung một vế quan trọng như sau: “để đảm bảo 1 giờ học ở lớp cần ít nhất 2 giờ học cá nhân”. Theo định nghĩa này tín chỉ bao gồm một phần nổi: 1 giờ học ở lớp, và một phần chìm: 2 giờ chuẩn bị cá nhân. Phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập phải đảm bảo sao cho định nghĩa đó của tín chỉ được thỏa mãn, tức là: giảng dạy phải đảm bảo sao cho chẳng những việc học trong thời gian thuộc phần nổi được thực hiện tốt, mà còn phải tạo điều kiện để hoạt động tự học trong thời gian thuộc phần chìm có hiệu quả cao. Mặt khác việc đánh giá thành quả học tập phải đảm bảo sao cho đánh giá được cả phần nổi và phần chìm.

3. Về phương pháp dạy và học trong thời đại thông tin

3.1. Phương pháp dạy và học trong thời đại thông tin có thể được quan niệm tổng quát như sau: HỌC là quá trình tự biến đổi mình và làm phong phú mình bằng cách chọn, nhập và xử lý thông tin lấy từ môi trường xung quanh. DẠY là việc giúp cho người học tự mình chiếm lĩnh những kiến thức, kỹ năng và hình thành hoặc  biến đổi những tình cảm, thái độ (1). Theo quan niệm đó người dạy phải giúp cho người học (chứ không làm thay người học) biết cách chọn, nhập xử lý thông tin lấy từ môi trường xung quanh. Trong thời đại hiện nay, trước bể cả thông tin nếu không biết cách chọn thông tin thì sẽ bị choáng ngợp và lạc lối, không biết xử lý thông tin để biết thành tri thức thì không rút ra được những cái tinh túy nhất, bản chất nhất từ nguồn thông tin thô rộng lớn đã thu được.

3.2. Chính từ các quan niệm xuất phát đó, khi nói về phương pháp dạy và học trong GDĐH, Nghị quyết 14(2) của Chính phủ về giáo dục đại học đã nêu 3 tiêu chí quan trọng cần dựa vào để chọn một hệ phương pháp dạy và học cho từng trường hợp cụ thể:

·         Tiêu chí cần thể hiện bao quát nhất là dạy CÁCH HỌC;

·         Phẩm chất cần phát huy mạnh mẽ là tính CHỦ ĐỘNG của người học;

·         Công cụ cần khai thác triệt để là CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG MỚI.

  Để dễ nhớ, có thể gọi đây là hệ tiêu chí 3C để lựa chọn phương pháp dạy và học ở đại học cho từng trường hợp cụ thể trong thời đại hiện nay (3).

 Các quan niệm trên cũng trùng hợp với quan niệm về phương pháp dạy và học trong học chế tín chỉ.

4. Phương pháp dạy, học và đánh giá thành quả học tập cho học chế tín chỉ trong thời đại thông tin

Từ các phân tích trên đây, có thể nêu các giải pháp sau đây về việc dạy, học và đánh giá cho học chế tín chỉ trong thời đại thông tin.

4.1. Điều kiện để dạy và học: phải đảm bảo có tài liệu học tập đầy đủ và địa điểm học tập thuận lợi để sử dụng trong thời gian thuộc cả phần nổi và phần chìm. Mỗi môn học cần có ít nhất một tài liệu chính để dựa vào đó giảng dạy, và vài tài liệu khác để sinh viên đọc thêm trong thời gian thuộc phần chìm. Trong thời đại hội nhập niện nay, nên cố gắng đảm bảo cho sinh viên thêm một lài liệu tiếng Anh để tham khảo. Để sinh viên có thể tận dụng thời gian học ngoài giờ lên lớp, nhà trường cần đảm bảo chỗ học cho sinh viên tại thư viện hoặc một số phòng dự trữ để tự học.

4.2. Phương pháp dạy và học: phải trang bị được cho người học cách học để họ sử dụng trong thời gian thuộc phần chìm, tức là cách tự học.  Có muôn hình muôn vẻ biện pháp sử dụng trong việc dạy và học, ở đây chỉ nêu một vài biện pháp có tính minh họa.

Trên giờ học tại lớp giảng viên không nên thuyết giảng tất cả mọi điều theo trình tự của giáo trình, mà chỉ nên chọn giảng những chủ đề có tính chất lập luận, suy diễn, tổng hợp để luyện cho sinh viên phương pháp tư duy. Các phần khác có tính chất cung cấp thông tin nên để sinh viên tự đọc ở nhà. Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách tìm và chọn thông tin liên quan đến môn học trên mạng hoặc trong các tài liệu tham khảo khác, và nêu ra các vấn đề và bài tập để sinh viên giải quyết trong quá trình tự học. Làm như trên chính là dạy cách học cho sinh viên, thúc đẩy họ chủ động trong việc học và khuyến khích họ sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông, cụ thể là mạng Internet, trong quá trình học. Hiện nay, phục vụ cho các kiến thức chung liên ngành, các từ điển mạng và từ điển điện tử như WIKIPEDIA và ENCARTA rất có lợi, chúng giúp người học tìm kiếm nhanh các kiến thức và khái niệm liên quan khi học, giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian học tập. Hơn thế nữa, nguồn học liệu mở của MIT (MIT open course ware) là một kho tư liệu giảng dạy và học tập vô giá đối với giảng viên và sinh viên đại học mà cách đây mấy thập niên không ai dám mơ ước.  Google cũng có chương trình số hóa một lượng sách khổng lồ đưa lên mạng: cho đến 11/2008 đã số hóa được 7 triệu cuốn. Google Book Search đang hứa hẹn sẽ tạo dựng một thư viện lớn nhất và một doanh nghiệp sách lớn nhất từ xưa tới giờ.(4)

Ở đây cũng cần nhấn mạnh lợi thế của tiếng Anh khi tìm tin, do đó các trường nên có biện pháp tăng cường tiếng Anh để sinh viên sớm sử dụng được ngay trong những năm đầu đại học.

4.3. Phương pháp đánh giá thành quả học tập:

- Theo học chế tín chỉ, trước hết  cần thực hiện đánh giá thường xuyên trong tiến trình (formative) để thu được các phản hồi nhằm điều chỉnh thường xuyên việc dạy và học. Các hỏi đáp ngay tại lớp, các bài kiểm tra ngắn là rất cần thiết, các bài kiểm tra này phải trả sớm cho sinh viên. Và một hình thức rất có hiệu quả là học viên tự đánh giá kết quả học tập theo danh sách các mục tiêu (check list) phải đạt của môn học. Cách làm rất tốt là học viên tự đánh giá trong những lần gặp mặt một thầy một trò, giúp cho cả thầy và trò cải tiến việc dạy và học.

- Đánh giá tổng kết (summative) trong học chế tín chỉ là rất quan trọng để ghi nhận việc tích lũy được các học phần. Một yêu cầu quan trọng của đánh giá tổng kết là phải đánh giá được kết quả học tập liên quan đến cả phần nổi và phần chìm. Muốn vậy phải có đề cương chi tiết (syllabus) của giảng viên và sinh viên ngay từ đầu trước khi bắt tay vào giảng một học phần. Đề cương chi tiết này có thể xem như là hợp đồng giữa người dạy và người học. Giảng viên phải cho sinh viên biết lịch trình giảng dạy và thông báo rõ cho họ biết là ở lớp họ sẽ chỉ được nghe giảng các vấn đề cốt lõi quan trọng, còn các vấn đề khác họ phải tự đọc trong sách. Giảng viên phải giới thiệu cho sinh viên danh mục các sách cần đọc, nếu cuốn sách nào có khối lượng quá lớn thì chỉ rõ các chương cần đọc. Cần tính toán sao cho một sinh viên trung bình có thể đọc hết số lượng sách mà giảng viên quy định trong tổng thời gian phần chìm. Không nên rơi vào hai thái cực: hoặc là mắc bệnh hình thức giới thiệu quá nhiều sách tham khảo, mà thực tế sinh viên không đủ sức đọc hết, hoặc là chỉ hạn chế sinh viên đọc bó hẹp trong giáo trình của mình, làm giới hạn tầm hiểu biết của sinh viên. Giảng viên cũng cần cung cấp cho sinh viên các URL dẫn đến các website liên quan đến môn học. Với thỏa thuận đó giữa thầy và trò, bài thi kết thúc học phần sẽ kiểm tra cả phần đã được thuyết giảng ở lớp cùng với phần sinh viên tự đọc trong thời gian thuộc phần chìm.

Trên đây chỉ là một số ý kiến rất giới hạn đóng góp về phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả học tập cho học chế tín chỉ trong thời đại thông tin. Chúng tôi cho rằng ở nước ta, để thực hiện học chế tín chỉ, vấn đề quan trọng hàng đầu và cũng là khó khăn lớn nhất chính là đổi mới phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả học tập. Và khắc phục khó khăn này không phải câu chuyện ngày một ngày hai mà là sự phấn đấu của toàn hệ thống giáo dục đại học nước ta trong nhiều thập niên, nhiều thế hệ.   

Hà Nội, 3/2009

TÀI LIỆU DẪN

(1) Lâm Quang ThiệpVề việc Dạy và học ở đại học và vai trò của nhà giáo đại học trong thời đại thông tin -  Tap chí: Giáo dục Đại học và Dạy nghề, no 5, 2000.

(2) "Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020” số 14/2005/NQ-CP của Chinh phủ ban hành ngày 2/11/05.

(3) Lâm Quang ThiệpVề mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học ở đại học trong thời kỳ mới. "Tạp chí Giáo dục", số 120, 6/2005.

(4) Robert Darnton - Google & the Future of Books. The New York Review of books - Volume 56, Number 2  February 12, 2009. http://www.pagewash.com//nph index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.alobbxf.pbz/negvpyrf/22281

 

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Đào tạo theo tín chỉ ở Mỹ

Bài tiếp tiếp theo

E-Learning – phương pháp dạy và học hiệu quả trong thời đại công nghệ số