Flipped Classroom - đảo ngược lớp học truyền thống
Ở Mỹ, phần lớn các cơ sở giáo dục đã đảo ngược quy trình nghe giảng bài trên lớp, về nhà làm bài tập. Mô hình dạy học mới này được gọi là Flipped Classroom hay Lớp học Đảo ngược.
Ngược lại với mô hình học truyền thống, ở lớp học đảo ngược, giáo viên thực hiện những video về lý thuyết và bài tập cơ bản, chia sẻ qua Internet cho các học viên xem trước tại nhà, trong khi thời gian ở lớp lại dành cho việc giải đáp thắc mắc của học sinh, làm bài tập khó hay thảo luận sâu hơn về kiến thức.
Cơ sở khoa học của phương pháp này là thang đo tư duy Bloom (2001). Theo thang đo này, “nhớ, hiểu” lý thuyết là những hoạt động đòi hỏi mức tư duy thấp nhất, do đó, học sinh có thể tự xử lý một mình tại nhà; còn việc áp dụng, phân tích và sáng tạo dựa trên kiến thức đã có là hoạt động đòi hỏi mức tư duy đào sâu hơn, và cần được thực hiện tại lớp, khi có thầy cô và bạn bè cùng chia sẻ, hỗ trợ.
Lợi ích lớn nhất của mô hình này so với mô hình học truyền thống là quãng thời gian ở trên lớp và ở nhà được sử dụng hiệu quả hơn.
Flipped Classroom thành công ở Mỹ
Theo một cuộc khảo sát do Sophia Learning và Flipped Learning Network tiến hành hồi tháng 5, số lượng giáo viên áp dụng mô hình Flipped Classroom trong giảng dạy ở Mỹ tăng lên 78% trong năm 2014, so với chỉ 48% vào năm 2012. Trong đó, các giáo viên tham gia khảo sát đều đồng ý rằng mô hình này giúp thái độ học tập trong lớp được cải thiện rất nhiều và điểm số của học sinh tăng lên 67% so với cách học truyền thống. Ngoài ra, 3/4 trong tổng số 180.000 học sinh trung học tham gia cuộc khảo sát Speak Up năm 2013 cũng đồng ý rằng Flipped Classroom mang lại hiệu quả học tập cao hơn so với bình thường. Với những ưu điểm trên, Flipped Classroom được nhiều cơ sở giáo dục ở Mỹ áp dụng trong giảng dạy, chủ yếu ở các bậc trung học và đại học.