Search

Giới thiệu về chương trình thạc sĩ Kinh tế phát triển của Trường Đại học Nha Trang

Một số nét chính về chương trình thạc sĩ Kinh tế phát triển của Trường Đại học Nha Trang mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo.
Giới thiệu về chương trình thạc sĩ Kinh tế phát triển của Trường Đại học Nha Trang

Mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra:

Mục tiêu chung của chương trình thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế Phát triển nhằm đào tạo nhân lực có trình độ, kiến thức chuyên sâu và hiện đại về kinh tế học và các lĩnh vực kinh tế ứng dụng; Có khả năng vận dụng lý thuyết kinh tế để phân tích các tình huống, các chính sách, các dự án kinh tế. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, học viên có khả năng:

- Tổng hợp, nhận dạng được cấu trúc và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô.

- Thu thập thông tin và nhận dạng các hiện tượng kinh tế xã hội cả về mặt định tính và định lượng.

- Xây dựng và quản trị các kế hoạch, chương trình, dự án phát triển trong phạm vi công tác.

- Phát hiện vấn đề, phân tích và lựa chọn các giải pháp chính sách quản lý nhà nước, quản lý kinh tế các địa phương, các ngành, các khu vực hành chính sự nghiệp, sản xuất và dịch vụ công cộng.

- Rèn kỹ năng tư duy và làm việc độc lập một cách hiệu quả.

 

Đối tượng của chương trình:

Chương trình sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội mà các nước hiện nay đang gặp phải, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Một số chủ đề chính được ưu tiên nghiên cứu, đó là: Phát triển vùng và địa phương; tiêu dùng xanh; phát triển bền vững; chất lượng tăng trưởng; tăng trưởng xanh; đói nghèo, sức khỏe, giáo dục, thể chế và phát triển,... Với những vấn đề cơ bản như vậy, chương trình Thạc sĩ Kinh tế Phát triển thích hợp cho các ứng viên sau:

-  Những người đang công tác hoặc dự định sẽ công tác trong khu vực hành chính sự nghiệp, dịch vụ công các cấp.

-  Những người đang làm việc hoặc có dự định sẽ làm việc cho các tổ chức phát triển quốc tế, hoặc các tổ chức phi chính phủ.

- Những người đang làm việc hoặc có dự định sẽ làm việc cho các công ty tư nhân trong các lĩnh vực có liên hệ sâu sắc với các vấn đề kinh tế - xã hội (ví dụ như nông nghiệp, giáo dục, y tế, môi trường).

- Những ai muốn trở thành các nhà tư vấn độc lập, hoặc làm việc cho các tổ chức tư vấn trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội.

- Nghiên cứu viên, giảng viên trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục và đào tạo bậc cao.

- Và những ai quan tâm đến việc nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung.

 

Nội dung chương trình:

Chương trình được thiết kế nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức nền tảng quan trọng về kinh tế cũng như các công cụ có thể được sử dụng trong xây dựng chính sách. Cấu trúc chương trình bao gồm: (1) Khối kiến thức chung bao gồm các môn học bắt buộc và tự chọn theo chương trình khung về đào tạo Thạc sĩ Kinh tế của Trường Đại học Nha Trang. Học viên theo đuổi Chương trình Thạc sĩ Kinh tế Phát triển nên chọn các môn như: Thống kê ứng dụng, Khoa học quản lý. (2) Khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành bao gồm bảy môn bắt buộc và sáu môn tự chọn. Định hướng chương trình được thiết kế với hai trụ cột kiến thức chính: Kinh tế và Chính sách kinh tế. Các môn học cơ sở sẽ cung cấp cho học viên kiến thức nền tảng về kinh tế học và các công cụ phân tích định lượng khi quan sát và nghiên cứu các hiện tượng kinh tế - xã hội, đặt nền móng cho tư duy và phân tích. Các môn học chuyên ngành sẽ giúp cho người học phát triển khả năng vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học được một cách trực tiếp vào các vấn đề cụ thể. Sau cùng, người học sẽ phải thực hiện một luận văn tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Luận văn tốt nghiệp sẽ giúp cho người học vận dụng tất cả những kiến thức và kỹ năng mà mình đã tích lũy được trong suốt quá trình học để phân tích và tìm kiếm các giải pháp cho một vấn đề thực tế đặt ra. 

TS. Phạm Thành Thái, Trưởng Bộ môn Kính tế học

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Đào tạo theo tín chỉ ở Mỹ

Bài tiếp tiếp theo

Xu hướng mới trong đào tạo tiến sĩ trên thế giới: Tái định hình khái niệm