Search

Khái niệm đại học trên thế giới đang thay đổi

Bài trình bày tại Hội thảo đối thoại giáo dục toàn cầu diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc ngày 26/2/2015)
Khái niệm đại học trên thế giới đang thay đổi

Khái niệm đại học trên thế giới đang thay đổi

Đàm Quang Minh, Phạm Thị Ly, Phạm Hiệp


Trên quy mô toàn cầu, hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) được biết đến như là đỉnh cao của hệ thống cung cấp tri thức, vai trò của hệ thống này là dẫn dắt các nghiên cứu và định hình nhiều xu thế mới trong xã hội. Các nhà bác học vĩ đại được giải thưởng Nobel hay Fields thường là các giáo sư tại các trường ĐH danh tiếng. Chính vì vậy, qua bao thế kỷ, các trường ĐH nghiên cứu danh tiếng này được coi là những “tháp ngà” để mọi người ngưỡng mộ. Nhưng hiện nay trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ, câu hỏi về việc hệ thống ĐH đi về đâu trong tương lai đang liên tục được đặt ra!

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, công nghệ thông tin và sự bùng nổ các phát kiến mới đang khiến cho xã hội thay đổi nhanh chóng. Hệ thống ĐH không phải là ngoại lệ: vai trò của hệ thống ĐH trên thế giới đang thay đổi mãnh liệt. Hàng loạt các tuyên bố từ chính các “tháp ngà” cho rằng chưa bao giờ hệ thống giáo dục ĐH toàn cầu lại chuyển mình nhanh như hiện nay. GS. Delbanco thuộc trường ĐH Columbia với cuốn sách “ĐH đã là gì và sẽ như thế nào?” đã nêu lên những thay đổi căn bản của giáo dục ĐH song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin và nền kinh tế tri thức. Mới đây nhất tại Davos ngày 21/1/2015, hiệu trưởng Trường ĐH Harvard, Drew Fraust cũng nêu quan điểm cho rằng giáo dục ĐH đang thay đổi bởi ba lý do chính: sự phát triển của công nghệ, sự thay đổi khái niệm tri thức và sự định nghĩa lại các giá trị của giáo dục.

Nhìn lại lịch sử

Trong thực tế mô hình giáo dục ĐH không phải giữ nguyên từ nguyên thủy đến nay. Những trường ĐH đầu tiên ra đời là để phục vụ cho thần quyền và giới chức chính trị, tôn giáo. Các trường này được gọi là Mô hình trường ĐH Trung cổ và thường được công nhận bởi Giáo hoàng. Điển hình cho các trường đó là ĐH Bologna được thành lập năm 1088, ĐH Paris thành lập năm 1150 và ĐH Oxford năm 1167. Lúc đó trường ĐH chỉ dạy về ba mảng chính là ngữ văn, hùng biện và logic học. Cho đến tận thế kỷ 14, cũng chỉ có thêm một số môn như Y học, Triết học, Số học và Thiên văn học được đưa thêm vào trường ĐH.

Sang đến thế kỷ 15 kéo dài đến thế kỷ 17, sự bùng nổ của cuộc cách mạng “khoa học thực chứng” (nghiên cứu dựa trên thí nghiệm/quan sát và đề cao tính khái quát hoá của kết quả nghiên cứu) thời kỳ Phục Hưng đã làm thay đổi hoàn toàn về nhận thức xã hội mà điển hình nhất là đóng góp của Leonardo da Vinci và sau đó là Galileo, Newton, đã khiến các trường ĐH được mở rộng sang các ngành khoa học tự nhiên. Thời kỳ này các trường ĐH đóng góp một vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu khoa học tự nhiên và hàng loạt phát minh được đưa ra từ các phòng thí nghiệm.

Sang thế kỷ 18, cuộc cách mạng công nghiệp đã một lần nữa đẩy các trường ĐH sang một mô hình mới, đó là mô hình ĐH Humboldt. ĐH Humboldt chính là mô hình ĐH nghiên cứu ngày nay được thành lập đầu tiên vào năm 1810. Đã có tới 29 nhà bác học đạt giải Nobel giảng dạy và làm việc tại trường này. Mô hình Humboldt là mô hình đóng góp thành công lớn cho sự phát triển khoa học công nghệ và các trường danh tiếng nhất trên thế giới hiện nay cũng đang theo mô hình này.

Trường ĐH ngày nay đã và đang thay đổi như thế nào?

Như chúng ta thấy, các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật tất yếu dẫn tới sự thay đổi xã hội trong đó có các trường ĐH. Nếu các cuộc cách mạng như Phục Hưng, Công nghiệp đã gây dựng và mở rộng hơn các mô hình ĐH thì cuộc cách mạng công nghệ ngày nay cũng đang làm điều tương tự. Chúng ta có thể thấy rõ nét những biến chuyển của giáo dục ĐH hiện nay thể hiện qua các khía cạnh: cạnh tranh giáo dục toàn cầu, sự thay đổi trong môi trường học tập và nghiên cứu, trong vai trò của người dạy và người học.

Đầu tiên có thể nói đến việc giáo dục ngày nay đã trở nên một cuộc chơi cạnh tranh toàn cầu, các trường hàng đầu như Havard, Standford, Oxford, … tự hào vì họ tuyển chọn được những sinh viên giỏi nhất trên quy mô toàn thế giới. Nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Anh, Singapore, Malaysia … coi giáo dục là một ngành kinh tế xanh, sạch, nhiều tiềm năng. Hàng loạt các trường có uy tín như ĐH Nottingham, Liverpool, RMIT đã ra nước ngoài mở cơ sở đào tạo (xem bảng 1). Nhiều trường ĐH có tới cả chục campus khác nhau để tăng sự hiện diện, mở rộng tầm ảnh hưởng. Bên cạnh đó là sự hình thành của một loại hình mới cạnh tranh với hệ thống cũ như liên minh các trường hay một dạng được tổ chức như tập đoàn toàn cầu, ví dụ như Hệ thống ĐH của Laureate Education. Hệ thống này hiện đã có mặt tại 21 quốc gia với 37 cơ sở đào tạo. Tư duy không chỉ một cơ sở mà cần mở rộng trong phạm vi quốc gia và thậm chí là toàn cầu đang phát triển.

Môi trường học tập ĐH cũng đang thay đổi đáng kể. Trước đây, trung tâm của một trường ĐH là hệ thống thư viện và kho tư liệu đồ sộ. Hình ảnh thư viện sáng đèn từ sáng đến tối là hình ảnh điển hình cho việc học tập bậc ĐH. Nếu như trước đây phải mất một hành trình dài và tốn kém, các trường ĐH mới có được hệ thống tài liệu như vậy, thì ngày nay, một trường ĐH bất kỳ cũng có thể có cả triệu đầu tài liệu với thư viện điện tử ngay lập tức với mức đầu tư vừa phải. Sinh viên ngày nay không nhất thiết phải lên thư viện mà có thể ở bất kỳ đâu để tra cứu và học tập. Hơn thế, sự phát triển công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục còn đưa đến những phương thức học tập khác như học tập tích hợp (blended learning) hay các khóa học mở đại chúng (MOOC). Điều thú vị là chính các trường hàng đầu như MIT, Harvard, Standford, … lại là những người tích cực nhất trong việc đầu tư vào MOOC với sự ra đời của Coursera và edX. Các khóa học này đã làm thay đổi quan niệm trước đây về môi trường học tập . Mỗi khóa MOOC có thể có tới 100.000 người cùng tham gia học tập cùng một lúc, số sinh viên của riêng một khóa học đã nhiều hơn rất nhiều trường ĐH hiện nay.

Môi trường nghiên cứu hiện nay cũng bắt đầu thay đổi. Trọng tâm của nghiên cứu đang dịch chuyển dần từ các trường ĐH, viện nghiên cứu sang các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Apple, Samsung, Google, các hãng dược phẩm và kể cả những công ty khởi nghiệp. Quỹ cho nghiên cứu của các đơn vị này tăng theo cấp số nhân trong khi đó đầu tư chính phủ cho nghiên cứu ngày càng thu hẹp. Điều này đã dẫn tới việc hoạt động nghiên cứu tại các trường ĐH đang trở thành bị chiếm lĩnh như là công việc làm thuê cho các doanh nghiệp có tiền đầu tư cho nghiên cứu – phát triển. Điều này làm thay đổi cả trọng tâm lẫn bản chất và phương thức của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Điểm sau cùng là quan hệ giữa người dạy và người học cũng thay đổi một cách cơ bản. Kiến thức ngày nay không còn là độc quyền của người thầy mà sinh viên hoàn toàn có thể tự kiểm chứng tất cả những điều mình học gần như ngay lập tức. Vai trò người dạy chuyển từ truyền đạt kiến thức sang người hướng dẫn và tổ chức các hoạt động trải nghiệm để người học có thể xây dựng kỹ năng và kiến thức cho riêng mình. Sự phát triển nhanh chóng của tri thức mới cũng khiến cho việc học tập trở nên học tập suốt đời để luôn cập nhật được những kiến thức mới nhất. Sinh viên ngày nay được khuyến khích tự trải nghiệm bằng cách mở rộng hoạt động ra bên ngoài thay vì tập trung vào chỉ học tập trong trường như trước đây.

Xét một cách khách quan, quá trình biến đổi của hệ thống ĐH đã bắt đầu và sẽ phát triển theo những dạng thức khác hơn mang nhiều tính đại chúng, toàn cầu và công nghệ. Quá trình này sẽ giống như các bước phát triển trước đây, bên cạnh các mảng “truyền thống”, hệ thống ĐH sẽ được bổ sung những phương thức mới và cả những xu thế mới như công nghệ hay sáng tạo. Liệu quá trình tiến hóa này sẽ đi đến đâu và trường nào sẽ bị bỏ rơi lại và đào thải dần?

Tái định hình một quan niệm mới về trường ĐH

Những thay đổi trên đây đã diễn ra dưới áp lực đòi hỏi của nền kinh tế tri thức và trở thành hiện thực nhờ những tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại. Nền kinh tế tri thức trong thời đại toàn cầu hóa đòi hỏi những kỹ năng mới (kỹ năng sử dụng công cụ kỹ thuật số, kỹ năng làm việc nhóm, truyền thông giao tiếp, sáng tạo, tư duy khởi nghiệp,…) và những năng lực mới (năng lực lãnh đạo, tầm nhìn toàn cầu). Ngày nay người ta không chỉ cần trí thông minh logic và toán học, mà còn là trí thông minh ngôn ngữ, không gian, âm nhạc, trí thông minh liên nhân và cảm xúc.v.v. để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường sống và làm việc ngày càng đa diện và phức tạp. Ngày nay, học tập suốt đời trở thành nhu cầu tất yếu, điều quan trọng đối với mọi cá nhân (và đặc biệt là với các trường ĐH) không chỉ là khả năng tiếp thu cái mới mà còn là khả năng gỡ bỏ cái cũ. Như nhà tương lai học Alvin Toffler từng nói: “Những người được xem là mù chữ trong thế kỷ 21 không phải là những người không biết đọc biết viết, mà là những người không có khả năng từ bỏ cái đã học và học cái mới”.

Vì vậy, lối dạy và học của nhà trường truyền thống thiên về truyền thụ kiến thức và đào tạo kỹ năng chuyên môn không thể đáp ứng những đòi hỏi ấy. Trường ĐH của tương lai không nhằm vào truyền thụ kiến thức và đào tạo kỹ năng chuyên môn, mà nhằm vào những kỹ năng sống và năng lực công dân, nhằm vào khả năng học tập suốt đời. Nó tận dụng mọi cơ hội mà khoa học công nghệ mang lại để đào tạo trực tuyến. Nó biến đổi thành nhiều hình thái để phục vụ nhiều nhu cầu và đối tượng đa dạng.

Nếu như vài thập niên trước đây, và kể cả hiện nay,  mô hình trường ĐH nghiên cứu kiểu Humboltd được coi là hình mẫu lý tưởng của khái niệm “ĐH”: nơi đào tạo giới tinh hoa nhằm lãnh đạo xã hội, nơi sáng tạo tri thức mới và đào tạo các nhà khoa học, thì ngày nay, trường ĐH đã trở nên một thực thể đa dạng hơn rất nhiều trên mọi phương diện. Bên cạnh những tháp ngà truyền thống vẫn đang tồn tại, nhiều trường ĐH ngày nay đã thay đổi về mục tiêu và phương thức hoạt động. Nó không chỉ nhằm vào một thiểu số tinh hoa như trước, mà nhằm vào huấn luyện kỹ năng cho số đông. Nó không còn giới hạn trong một khuôn viên, một quốc gia, mà vươn ra toàn cầu. Nó không chỉ có lớp học, giảng đường, thư viện, mà có webinar, có học tập trực tuyến. Nó không còn được nhà nước bao cấp như trước đây, mà ngày càng tiến về phía thị trường, ngày càng thể hiện rõ nét tính chất dịch vụ: trong hai vế hàng hóa công và lợi ích tư, thì ý nghĩa lợi ích tư của GDĐH đang ngày càng chiếm ưu thế. Chính vì lẽ đó khái niệm GDĐH vì lợi nhuận hầu như không tồn tại trong cả ngàn năm lịch sử phát triển GDĐH ở phương Tây, gần đây bắt đầu được chấp nhận rộng rãi, đặc biệt là ở Đông Á. Và điều quan trọng nhất là: trường ĐH không còn là nguồn độc nhất hay chủ yếu tạo ra tri thức và truyền đạt tri thức như trước nữa.

Vì lẽ đó, quan niệm về trường ĐH cũng cần thay đổi. Thay đổi không có nghĩa là phủ nhận khái niệm ĐH như được hiểu trước đây, mà là mở rộng hơn, thừa nhận sự phát triển những hình thái đa dạng của ĐH. Một mặt chúng ta không bó hẹp quan niệm của mình trong những hình thức của trường ĐH truyền thống, mặt khác, cần bảo toàn những giá trị cốt lõi của trường ĐH trong những hình thái đa dạng của ĐH ngày nay. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nhà làm chính sách: một quan niệm chấp nhận sự đa dạng như vậy sẽ là tiền đề để tái cấu trúc hệ thống như một hệ sinh thái bao gồm nhiều loại trường khác nhau với những sứ mạng khác nhau và bổ sung cho nhau. Nó cũng rất quan trọng đối với các nhà lãnh đạo của từng trường ĐH: nhận thức về những biến đổi của bối cảnh sẽ thúc đẩy những chiến lược đáp ứng phù hợp của các trường và tăng cường cơ hội sinh tồn của họ.

Tài liệu tham khảo

Barber, M., Donnelly, K., Rizvi, S., & Summers, L. (2013). An avalanche is coming: Higher education and the revolution ahead.

Drew Gilpin Faust, “Ba lực lượng định hình trường ĐH của tương lai”. Bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ ngày 21 tháng 1 năm 2015. Nguồn:https://agenda.weforum.org/2015/01/three-forces-shaping-the-university-of-the-future/

Jamil Salmi, “The Evolving Relationship between State and Quality Assurance”. Bài trình bày tại Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ, Washington DC, 21.02.2015.

Guardian Higher Education Network. The University of 2020: Predicting the Future of Higher Education. Nguồn:  http://www.theguardian.com/higher-education-network/blog/2012/aug/24/higher-education-in-2020

Hussey, T. & Smith, P. (2010) The trouble with higher education: a critical examination of our universities.

  • Chia sẻ

Bài viết trước

Đào tạo theo tín chỉ ở Mỹ

Bài tiếp tiếp theo

Về quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp