Search

edX, học tập trực tuyến và những suy nghĩ về xu hướng thời đại

Các lớp học trực tuyến mang lại những cơ hội ngàn năm có một cho sinh viên, đặc biệt là những bạn sinh viên nghèo hay không có điều kiện học tập, khi nó cung cấp nền giáo dục chất lượng tốt nhất và hoàn toàn miễn phí.
edX, học tập trực tuyến và những suy nghĩ về xu hướng thời đại

Trương N. H. Huân

Phòng Công nghệ thông tin, Truman State University

Missouri, Hoa Kỳ


edX (tiền thân là MITx) nói riêng hay Giáo dục trực tuyến nói chung, bước ngoặt trong giáo dục, đang trở thành xu thế của thời đại. Nhưng đồng thời giáo dục trực tuyến cũng là thách thức không nhỏ cho thế hệ trẻ Việt Nam, khi lớp trẻ của chúng ta vẫn còn đang chập chững những bước đầu tiên trên con đường hòa nhập với sự vận động của toàn cầu.

 

edX là gì?

 

edX là một dự án phi lợi nhuận của MIT và Harvard nhằm mang đến các khóa học trình độ đại học một cách miễn phí tới cho bất cứ ai trên trái đất. Được bắt nguồn từ MIT (Viện Công Nghệ Massachusetts), edX có tất cả những điều mà trước kia là ước mơ của rất nhiều người: các khóa học chất lượng cao được giảng dạy bởi các giáo sư hàng đầu ở các trường đại học danh tiếng, khả năng học ở bất cứ đâu, bất cứ hoàn cảnh nào và bất cứ thời gian nào, mà không mất tiền!

 

edX có gì?

Khóa học đầu tiên của MITx, 6002x — Điện tử và mạch điện, tương đương với khóa 6002 đang được dạy ở MIT, là khóa được gắn mác “Thử nghiệm.” Là một khóa học “thử nghiệm” làm hình mẫu cho các khóa học khác, nếu là một sinh viên ham thích điện tử, bạn có mọi lý do để tham gia. Giảng viên chính của khóa, Giáo sư Anant Agarwal — trưởng phòng thí nghiệm Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo của MIT, là một người nổi tiếng về tài năng, sự nghiệp và phong cách. Ngoài ra 6002x, ngoài việc miễn phí tiền học, còn hứa cấp chứng chỉ miễn phí cho học viên sau khi hoàn thành khóa học. Như vậy, trong trường hợp xấu nhất, không ai mất gì để thử cả.

 

Việc dạy và học ban đầu chủ yếu nhờ vào các video trực tuyến, bài tập về nhà và bài tập thực hành bằng các công cụ mô phỏng. Nếu mới nghe, đây có thể là một ý tưởng không hề mới, nhưng thành công của 6002x đã minh chứng rằng phương cách thực hiện cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng.

 

Ai tham gia edX?

Vì bất cứ ai muốn học đều có thể tham gia, nên edX không chỉ là sân chơi của sinh viên Hoa Kỳ, mà nó còn là nơi lý tưởng cho những sinh viên ở các nước 1đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam và ngay cả Trung Quốc khi nó lấp được một phần rất lớn khoảng cách về giáo dục cả về chất và lượng mà sinh viên sẽ được hưởng. Đối với sinh viên Việt Nam, những vấn đề như cung không đủ cầu và sự đổi mới, cập nhật và sự công bằng trong giáo dục đôi khi vẫn là một điều nan giải và được bàn tán ở nhiều nơi. edX với sức chứa gần như là vô hạn của mình, khả năng cập nhật liên tục và các khóa học được thiết kế bởi các giáo sư hàng đầu thế giới, sẽ là nơi lý tưởng cho những bạn sinh viên cầu tiến.

 

Không chỉ thế, edX là cơ hội cho những người tật nguyền không có điều kiện tham gia vào một lớp học truyền thống có cơ hội học tập, vì việc đến lớp đơn giản là dành thời gian ngồi cạnh máy tính. Những người khiếm thính hay có vấn đề về nghe hiểu như sinh viên nước ngoài (có thể bao gồm một số đông sinh viên Việt Nam) cũng sẽ có cơ hội học tập vì mỗi video đều có phụ đề nếu không theo dõi được tiếng Anh. Mỗi video đều tua nhanh chậm được từ nhanh bằng một nửa cho đến nhanh gấp rưỡi, cho nên thay vì cả lớp phải theo một tốc độ, ai có khả năng theo tốc độ nào thì có thể học theo tốc độ đó. Những em học sinh cấp 2, cấp 3 hay những người đã có gia đình đều có thể học được chứ việc học không còn là điều gò bó bắt buộc phải theo thời gian và lịch biểu xác định nữa — nếu bạn thật sự muốn học và phải đi làm cả ngày, bạn có thể học lúc 3 giờ sáng!

 

Hơn nữa, những người bị hạn chế bởi không gian, thời gian, tài chính đều có thể tham gia học trực tuyến trên edX, vì chỉ cần dành một số lượng thời gian một tuần bất kể ở đâu khi nào là đều có thể theo học được. Lớp học miễn phí kiến thức (theo như lời giáo sư Agarwal, họ chỉ thu phí khi phát chứng chỉ trong tương lai) cho nên miễn là bạn có ý chí, bạn sẽ có kiến thức.

 

Theo như số liệu mà edX công bố, có 120 000 người đăng ký tham gia lớp học 6002x thử nghiệm. Đây là con số khổng lồ chưa từng thấy ở bất cứ một lớp học truyền thống hay trực tuyến nào.

 

Học trên edX như thế nào?

Để tránh bài viết trở thành một bài tường thuật lại giao diện của edX, tác giả khuyến khích bạn đọc tự tìm hiểu thêm edX bằng cách đăng ký học khóa 6002x. Với khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, tôi chỉ xin được chỉ ra những điểm chung cho edX để dẫn nhập cho những phần sau. 

 

Khóa học của edX khi đăng nhập có những phần chính sau: Courseware (học liệu), thông tin chung của khóa học, sách, thảo luận, wiki và thông tin cá nhân. Phần Courseware là trọng tâm bao gồm bài giảng, bài tập trên lớp, bài về nhà và bài thực hành. Mỗi tuần có hai bài giảng, mỗi bài giảng bao gồm nhiều đoạn video Youtube ngắn (5–10 đoạn), mỗi đoạn khoảng 5–10 phút, do giáo sư hướng dẫn vẽ bằng tay trên một bảng điện tử đồng thời giải thích như học trên lớp, có kèm phụ đề. Các đoạn video này được ghi trước và hoàn toàn không có sự tương tác của học viên. Bài tập “trên lớp” là các bài tập nhỏ nhằm củng cố kiến thức khi học, được đan xen với các đoạn video Youtube. Mỗi tuần đều có bài tập về nhà, có khoảng 4 tới 5 câu hỏi, mỗi câu hỏi thường là câu hỏi về số và công thức tính toán vào các ô nhỏ, học viên có thể thử điền đáp số bao nhiêu lần tùy thích cho đến khi trả lời đúng thì thôi. Ngoài ra mỗi tuần còn có một bài tập thực hành, học viên thực hiện bằng chương trình giả lập mạch điện. Cũng như trên học viên có thể làm cho đến khi nào ra được kết quả như mong đợi thì thôi.

 

Phần sách, là nội dung cuốn sách đi kèm với khóa học. Thảo luận như một diễn đàn điện tử cho phép học viên trao đổi với nhau về bài tập và khóa học dưới sự giám sát của các trợ giảng. Wiki cho phép các sinh viên tín cẩn và trợ giảng sửa, nội dung là các thủ thuật, bài ôn luyện, các trang web tham khảo có ích cho khóa học… Phần thông tin cá nhân cho phép học viên xem điểm và các thông tin cá nhân khác của mình.

 

Việc học không hề nhẹ nhàng: Tuy được coi là một khóa dành cho sinh viên năm nhất, mỗi tuần với sức học như của tôi (có bằng khoa học máy tính ở một trường công Hoa Kỳ), thì tôi phải dành ít nhất 12 giờ để theo dõi video và làm bài tập khóa 6002x. Tôi thường học từ trưa ngày Chủ Nhật cho đến nửa khuya.

 

Một lớp học trực tuyến hiệu quả

Một trong những vấn đề mà edX giải được một cách trọn vẹn là sức chứa. Nếu như ở môi trường vật lý, một lớp học ở Hoa Kỳ thông thường chỉ chứa khoảng 20–25 sinh viên (ví dụ, theo công bố năm 2009* thì số lượng các lớp có trên 50 sinh viên của đại học Carnegie Mellon, một trong những đại học danh tiếng hàng đầu Hoa Kỳ về công nghệ và khoa học máy tính, chỉ khoảng 11%, con số này với chính MIT là 13%). Lý do, như chúng ta đoán được, là chất lượng lớp học sẽ khó tránh khỏi việc đi xuống khi con số sinh viên đi lên. Con số 120000 người một lớp mà vẫn đảm bảo cho sinh viên học tập hiệu quả, là một điều tuyệt diệu — ngay cả khi có rất nhiều người bỏ dở không học thì con số còn lại cũng rất đáng nể.

 

Vậy đâu là những điểm nhấn của edX để họ có được những thành công trên quy mô vô cùng lớn như vậy?

Tôi nghĩ điều quan trọng thứ nhất mà edX nhận ra một là nội dung bài giảng là việc có thể mang lại đến cho nhiều người được và không cần tương tác từ học viên. Chúng ta thật ra từ trước đến nay thật ra vẫn làm như vậy: Giáo viên lên lớp để giảng bài, nếu như giáo sư giảng 3 lớp mỗi năm với nội dung như nhau, thì tại sao không làm một lần cho thật tốt rồi để cho mỗi học viên xem khi nào họ có thời gian? Điều này còn có lợi hơn việc học trên lớp ở chỗ, thay vì bắt buộc phải lên lớp nghe giảng những điều mình đã biết, những học viên đã biết một phần kiến thức có thể bỏ qua một đoạn hoặc tua nhanh nếu cảm thấy chán. Như vậy vừa tiết kiệm được công sức của giáo sư, vừa làm cho học viên cảm thấy thoải mái. Các bài giảng đều có bài tập ở giữa tiết học làm cho học viên động não và kiểm tra lại kiến thức mình đã thu nhận sau khi tiếp nhận từng phần, điều này làm cho học viên tránh được sự nhàm chán khi phải nghe giáo sư giảng thao thao bất tuyệt trong vòng hơn một giờ (mặc dù Giáo sư Agarwal giảng không hề chán!) Ngoài ra, các giáo viên cũng tiết kiệm được thời gian và công sức cho những việc khác thay vì phải lặp lại bài giảng ở mỗi lớp mỗi năm.

 

Điều quan trọng thứ hai là bài tập về nhà và bài tập thực hành. Bài tập về nhà và bài tập thực hành được chấm điểm tự động và việc chấm điểm tự động cho 20 người hay 120 000 người đều đơn giản với công nghệ chúng ta có trong tay hiện nay. Nếu như ở lớp học thông thường, một sinh viên lười nhác có thể hỏi bài tập về nhà của bạn mình hay quay cóp từ đáp án thì với khoá 6002x, bài tập mỗi người được giao một một con số khác nhau, và thường là đủ rắc rối để một người không chịu tự động não và thật sự hiểu vấn đề không quay cóp được bài từ bạn mình. Một điểm quan trọng khác là những bài tập ở 6002x đều là những bài tập khó, thậm chí rất khó, tuyệt đối không có câu hỏi lý thuyết lấy từ trong sách ra. Những bài tập này có điểm thú vị ở chỗ nó không gây sức ép cho sinh viên muốn được điểm tốt thì phải trả lời đúng câu hỏi ngay lần đầu. Trên thực tế, ở cuối mỗi câu hỏi cho bài tập về nhà đều có nút “Check” (“Kiểm tra đáp số”) xem kết quả bài tập có khớp với đáp số không. Nếu khớp, bạn có một dấu kiểm màu xanh và được điểm cho câu hỏi, và nếu không khớp, bạn có dấu chéo đỏ và được phép làm lại và thử bao nhiêu lần tùy thích cho đến khi đúng và được điểm cao thì thôi.

 

Theo tôi đây không chỉ là một phương pháp giảng dạy nhân bản và cực kỳ hiệu quả. Phương pháp này nhân bản bởi vì nó đảm bảo rằng nếu học viên học hành chăm chỉ thì chắc chắn được điểm tốt, không như lớp học thông thường, chăm chỉ và cẩn thận nhưng nếu chẳng may hiểu sai, tính sai, không ra kết quả đúng thì vấn bị điểm kém. Phương pháp này hiệu quả vì khi học viên không ra kết quả đúng vì hiểu sai kiến thức thì họ có cơ hội tìm tòi xem mình đã sai chỗ nào và sửa lại cho đúng. Con người vốn học rất tốt từ sai lầm và biết rút kinh nghiệm. So với việc học thông thường là học viên nộp bài tập về nhà và nhận kết quả, tức là hoặc là làm đúng, hoặc là làm sai và giáo viên chỉ cho cách làm đúng (và nhận điểm kém), thì cách “thử cho tới khi đúng” và nhận điểm tốt tỏ ra là một cách học rất tích cực. Việc chỉ nói “đúng” hoặc “không” này rất ưu việt so với phương pháp học bình thường là so đáp số chính xác từ sách. Với phương pháp bình thường nếu sách không cho đáp số thì bạn không biết là mình đúng hay sai, còn nếu cho đáp số thì bạn có thể sẽ đoán được cách làm để dẫn đến đáp số đó, từ đó việc học được qua lỗi của mình rất khó. Còn rất nhiều những điều khác của edX làm cho việc học hiệu quả, như diễn đàn thảo luận về bài tập, wiki mà tôi không có thời gian trình bày ở bài viết này. Nhưng hy vọng với ba điểm nhấn trên tôi nghĩ rằng bạn đọc có thể có được những cảm nhận đầu tiên về mô hình học tân tiến này và vì sao nó xứng đáng là mô hình của thế kỷ mới.

 

Thành công của edX và những suy nghĩ

edX được coi là một hiện tượng. Không chỉ được coi là một bước ngoặt và được những tờ báo, những tạp chí có uy tín như New York Times, hay Chronicle of Higher Education coi là một bước đột phá trong giáo dục và là thách thức của nền giáo dục truyền thống, edX còn được vô số những lời ca tụng từ ngay chính các học viên, đến nỗi MIT còn làm cả một tấm bản đồ lớn có video và cảm nghĩ từ các sinh viên ở khắp nơi trên thế giới nói về khóa học 6002x **.

 

Là một người quan tâm tới giáo dục, được trải nghiệm cả hai nền giáo dục đại học ở Việt Nam và Hoa Kỳ, tôi có may mắn có chút hiểu biết về nội dung khóa học để tham gia lớp học này. Sau tuần thứ tám tham gia lớp học và tham khảo ý kiến của các nhà giáo dục, cũng như tự mình đánh giá kiến thức và độ hiệu quả của lớp học, tôi tin rằng edX là một hình mẫu để học tập, cả cho sinh viên và các nhà làm giáo dục ở Việt Nam. Với sinh viên, việc bơi ra biển lớn hòa nhập với thế giới trong nền kinh tế tri thức toàn cầu là một điều cần làm. Với các nhà làm giáo dục, việc suy tính làm sao để áp dụng và triển khai những mô hình tương tự như edX cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam để góp phần giải bài toán giáo dục là một điểm đáng lưu ý.

 

Việc tiếp cận được kiến thức ngày càng dễ dàng là một thách thức vô cùng lớn. Nó sẽ làm cho việc lý giải cho việc thiếu kiến thức khó khăn hơn, vì bạn khó có thể đổ lỗi cho điều kiện giáo dục được nữa. Điều này không có nghĩa là trước kia việc lý giải việc thiếu kiến thức hay kỹ năng do nền giáo dục trước kia là chấp nhận được, nhưng điều chắc chắn là việc đổ lỗi do điều kiện giáo dục sẽ càng ngày càng là một lý do khó nghe hơn cho những bạn trẻ đi tìm việc. Hơn nữa, không ai dậm chân tại chỗ cả, cho nên những kiến thức miễn phí như thế sẽ làm cho sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Về mặt vi mô, khi đi xin việc hay đi học, bạn sẽ được ít ưu ái và thông cảm hơn với hoàn cảnh của mình so với những người có điều kiện học tập hơn mình đặc biệt với những bạn ở các nước phát triển hơn. Về mặt vĩ mô, không có lý do gì mà Intel sẽ đặt tiếp một nhà máy ở Việt Nam thay vì ở Trung Quốc hay Thái Lan; cũng như không có lý do gì Microsoft sẽ mở chi nhánh ở Việt Nam thay vì Trung Quốc hay Ấn Độ nếu họ gặp nhiều khó khăn hơn khi tìm sinh viên giỏi ở đất nước ta.

 

Việc chúng ta đang bị tụt hậu so với bạn bè ngay cả trong thời điểm hiện tại không còn là nguy cơ nữa mà là thực tế — thực tế là sinh viên các nước đang phát triển đang theo học edX rất đông. Theo như những gì tôi thấy một số lượng vô cùng lớn các học viên đang theo học 6002x là các sinh viên từ Ấn Độ và Trung Quốc, thậm chí có rất nhiều sinh viên Indonesia. Có lẽ họ đã nhận ra những điểm yếu của họ và đang cố gắng khắc phục những điểm yếu này.

 

Trong khi Việt Nam có hàng triệu thí sinh mỗi năm thi vào các trường đại học, với các trường danh tiếng như Bách Khoa, Khoa học tự nhiên thì chỉ một phần rất nhỏ có diễm phúc được vào các trường này. Điều đó cho thấy thế hệ trẻ Việt Nam rất ham học. Điều đó cũng cho thấy rằng ở nước ta, cầu vượt quá cung rất nhiều. Thế nhưng điều đáng cảnh tỉnh ở đây là theo như quan sát của tôi có rất ít sinh viên Việt Nam theo học những khóa học này. Tại sao vậy? Liệu có phải tại vì sinh viên Việt Nam chưa đủ can đảm để bơi ra biển lớn, do rào cản về ngôn ngữ, văn hóa? Bây giờ khi ngôn ngữ đã được dịch ra phụ đề, thì đâu là lý do để lớp trẻ Việt Nam chưa chịu học? Phải chăng ta đang ngủ quên trên lịch sử bốn ngàn năm rực rỡ gấm hoa của cha ông?

 

Nếu là do chúng ta đang ngủ quên thì có lẽ đây là thời điểm phải hành động. Đó là trách nhiệm của từng sinh viên, từng cá nhân trẻ cố gắng. Đó cũng là trách nhiệm của những nhà giáo dục, những nhà hoạch định chiến lược để khơi ngọn lửa học tập cho thế hệ tương lai. Thế hệ trước đã có lời kêu gọi dậy mà đi là để kêu gọi đi chiến đấu cho đất nước thống nhất, hòa bình. Ngày nay, một lời kêu gọi dậy mà đi cũng rất cần thiết — nhưng lần này là các sinh viên đi học tập củng cố kiến thức cho kịp thời đại để xây dựng nước Việt trí tuệ, thịnh vượng sánh vai với các cường quốc năm châu.
  • Chia sẻ

Bài viết trước

Đào tạo theo tín chỉ ở Mỹ

Bài tiếp tiếp theo

Chất lượng đào tạo sau đại học: những con đường dẫn đến đỉnh cao