GS. Lâm Quang Thiệp
TÓM TẮT
Bài viết nêu bối cảnh quốc tế và trong nước đặc trưng cho thời kỳ mới của sự phát triển đất nước. Trên thế giới, đó là tiến bộ vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, bước đầu quá độ sang nền kinh tế tri thức, với xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Trong nước, đó là thành quả của quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa và từng bước phát triển kinh tế tri thức. Trên bối cảnh quốc tế và trong nước đó, giáo dục đại học nước ta đang chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn giáo dục đại học đại chúng.
Trong thời kỳ mới của sự phát triển đất nước và giai đoạn mới của giáo dục đại học, sứ mạng của giáo dục đại học nói chung và mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học đại học nói riêng có những biến đổi lớn. Sau khi phân tích những biến đổi quan trọng về yêu cầu đối với sản phẩm đào tạo đại học, bài viết đã đề nghị một hệ tiêu chí thích hợp để lựa chọn các phương pháp dạy và học cho từng trường hợp cụ thể ở đại học nước ta trong thời kỳ mới: tiêu chí bao quát hàng đầu là Cách học, phẩm chất cần phát huy mạnh mẽ là tính Chủ động của người học, biện pháp cần khai thác triệt để là Công nghệ thông tin và truyền thông mới (3C).
Thời đại thông tin đã tạo những cơ hội mới, nhưng cũng đặt nhà giáo đại học trước những thách thức mới. Một "nhà giáo mới" ở đại học" phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ". Như vậy vai trò của nhà giáo thay đổi, nhưng vị trí của nhà giáo được nâng cao hơn so với trước đây nếu nhà giáo thoả mãn được những đòi hỏi của thời đại mới.
1. THỜI KỲ MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ GIAI ĐOẠN MỚI CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Với sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông (CNTTTT), nhân loại đang bước đầu quá độ sang nền kinh tế tri thức. Từ trên nền tảng đó, cùng với những biến đổi lớn lao về chính trị xã hội vào các thập niên vừa qua, xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ đang diễn ra trên thế giới.
Ở nước ta, sau gần hai thập niên thực hiện đường lối “đổi mới”, chuyển dịch từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH) hiện đại hóa (HĐH) ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển..., từng bước phát triển kinh tế tri thức…” (1) ở nước ta không chỉ có sự “đổi mới”, chuyển sang nền kinh tế thị trường, mà còn có xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa. Một bước ngoặt của nước ta về hội nhập quốc tế là nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO vào tháng 11 năm 2006. đã đạt được nhiều thành quả. Có thể nói bối cảnh quốc tế và trong nước nêu trên đã tạo nên một thời kỳ mới đối với đất nước. Thời kỳ mới đó cũng làm cho nền giáo dục đại học (GDĐH) nước ta chuyển sang một giai đoạn mới, mang những đặc trưng mới về sứ mạng, cơ cấu, chức năng…Những đặc trưng mới đó cũng làm nảy sinh yêu cầu phải đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy và học ở đại học. Ba yếu tố vừa nêu không phải bao giờ cũng có thể xem xét tách biệt rạch ròi mà đôi khi chúng đan xen vào nhau, hòa quyện với nhau.
2. VỀ MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG DẠY VÀ HỌC Ở ĐẠI HỌC
2.1. Trong thời kỳ mới quá trình đào tạo ở các trường đại học nước ta phải cho ra sản phẩm như thế nào?
Bối cảnh quốc tế đã nêu trên làm cho triết lý về giáo dục cho thế kỷ 21 có những biến đổi sâu sắc, đó là lấy "học thường xuyên suốt đời" làm nền móng, dựa trên các mục tiêu tổng quát, 4 trụ cột của việc học, là "học để biết, học để làm, học để cùng sống với nhau và học để làm người", nhằm hướng tới xây dựng một "xã hội học tập”.(2)
Người sinh viên, sản phẩm đào tạo của GDĐH nước ta, sẽ hoạt động trong một nền kinh tế thị trường có tính quốc tế, và trong một khung cảnh hội nhập về văn hóa, giáo dục… Đặc điểm quan trọng nhất của kinh tế thị trường là cạnh tranh, đó là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Như vậy sản phẩm đào tạo của GDĐH nước ta phải vừa biết sống hòa hợp với cộng đồng dân tộc và quốc tế, vừa có năng lực cạnh tranh để tự khẳng định và phát triển. Đó là những đòi hỏi quan trọng của thời kỳ mới đối với sản phẩm đào tạo đại học, cũng là những thách thức mới chưa bao giờ thể hiện rõ ở giai đoạn trước đây của GDĐH nước ta.
2.2. Trong bối cảnh mới của thời đại và xuất phát từ các triết lý mới về giáo dục, chúng ta hãy xác định mục tiêu đào tạo đối với sinh viên đại học nước ta.
Hội nghị GDĐH trong thế kỷ 21 tại Paris tháng 10/1998 đã đề ra những yêu cầu mới về năng lực của sinh viên tốt nghiệp. Sau 5 năm triển khai các hoạt động GDĐH trên thế giới theo những khuyến cáo của Hội nghị Paris 1998, Hội nghị của UNESCO năm 2003 (Hội nghị Paris 1998) (5) đã đưa ra một Báo cáo tổng hợp có phân tích rõ những thay đổi mạnh mẽ về bản chất và nhu cầu của thế giới việc làm, và trình bày khái quát các tiềm năng mà trường đại học cần tạo cho sinh viên sao cho họ có thể đương đầu với những đòi hỏi của xã hội tri thức. Đó là:
i) các tiềm năng để học tập, nghiên cứu [academic capacities] (dựa trên việc đào tạo chuyên môn, nhưng còn bao gồm tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, có năng lực đổi mới tư duy [un-learn] và học lại [re-learn] trong suốt cuộc đời;
ii) các kỹ năng phát triển cá nhân gắn kết với xã hội (tự tin, quyết tâm cao, tôn trọng các giá trị đạo đức, hiểu biết rộng về xã hội và thế giới); và
iii) các kỹ năng sáng nghiệp [entrepreneurial skill] (các tiềm năng đáp ứng cả việc lãnh đạo và làm việc đồng đội, làm chủ công nghệ thông tin truyền thông và các công nghệ khác..v.v) (3).
Tuy rằng trên đây là những tiềm năng cần rèn luyện được để đáp ứng với đòi hỏi của thế giới việc làm trong thời kỳ mới, nhưng chúng không chỉ phản ánh mục tiêu học để làm trong 4 trụ cột, mà còn phản ánh cả ba mục tiêu kia của việc học.
2.3. Trên cơ sở các yêu cầu khái quát đối với sản phẩm đào tạo đại học mà UNESCO đã tổng kết, chúng ta có thể cụ thể hóa mục tiêu đào tạo mới đối với sinh viên đại học nước ta và làm sáng tỏ hơn những khiếm khuyết cả về mặt quan niệm và về hành động thực tế của nhà giáo đại học nước ta.
- Trước hết có thể thấy rằng các trường đại học nước ta vốn thường lưu ý đến việc trang bị nhóm tiềm năng thứ nhất cho sinh viên mà không chú ý đúng mức đến hai nhóm tiềm năng sau. Ngay trong nhóm tiềm năng thứ nhất, cách dạy và học hiện tại ở nước ta thường cũng chỉ mới phát triển được các năng lực nhận thức cấp thấp, nhận biết (knowledge) và thông hiểu (comprehension)(4), chưa tập trung đúng mức đến việc phát triển óc phê phán, khả năng giải quyết vấn đề. Ngoài ra, sự phát triển thông tin và tri thức cực kỳ nhanh chóng, vòng đời của các loại công nghệ rất ngắn ngủi của thời đại kinh tế tri thức còn đòi hỏi phải nhấn mạnh ở đây khả năng đổi mới tư duy, xóa những nếp nghĩ sai trái đã học được trước đây thay thế bằng những tư duy mới (un-learn) và luôn luôn bổ sung, cập nhận kiến thức mới (re-learn). Tất cả tiềm năng để học tập đã nêu mà sinh viên rèn luyện được trong thời gian học đại học sẽ giúp cho việc học tập trong suốt cuộc đời của họ, còn tri thức mà họ thu nhận được chỉ có thể sử dụng trong một thời gian ngắn. Từ đó có thể thấy rõ cách học quan trọng hơn nhiều so với kiến thức. Nói một cách nôm na dân dã, cho một chiếc cần câu quý hơn cho một giỏ cá. Hơn nữa, cần lưu ý thêm là họ biết cách học chưa đủ, mà họ phải tự tạo nên được thói quen và niềm say mê học suốt đời, tức là bản thân nhóm tiềm năng thứ nhất liên quan đến cả tri thức cũng như thái độ mà sinh viên đạt được qua quá trình học tập.
- Nhóm tiềm năng thứ hai liên quan nhiều đến tính nhân văn của sản phẩm đào tạo: sản phẩm phải là những công dân – trí thức của đất nước, có phẩm chất và trách nhiệm công dân, có hiểu biết và tầm nhìn rộng đối với xã hội và thế giới. Ở nước ta trong giai đoạn hiện tại trách nhiệm công dân này biểu hiện ở sự quyết tâm đóng góp vào việc đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, “sánh vai cùng cường quốc năm châu”. Trong quá trình đổi mới GDĐH ở nước ta từ thập niên 1990 đã có quy định về nội dung đào tạo ở cấp đại học bao gồm hai mảng kiến thức: mảng kiến thức giáo dục đại cương và mảng kiến thức giáo dục chuyên nghiệp (5). Mảng kiến thức giáo dục đại cương liên quan nhiều đến nhóm tiềm năng thứ hai mà chúng ta đang bàn.
- Nhóm tiềm năng thứ 3 thể hiện rõ yêu cầu đối với một người hoạt động trong một nền kinh tế thị trường, cần các kỹ năng để khẳng định mình, để tồn tại, đồng thời để cạnh tranh nhằm phát triển. Cần hết sức lưu ý đến kỹ năng làm việc đồng đội và kỹ năng lãnh đạo, tức là khả năng thuyết phục đồng đội làm việc theo đề xuất của mình, khả năng hòa mình với đồng đội trong công việc. Với các kỹ năng này sản phẩm đào tạo sẽ có nhiều thuận lợi khi tìm cho mình một việc làm thích hợp, lập nghiệp, cũng như khi tạo ra việc làm mới cho mình và cho nhiều người khác, tức sáng nghiệp.
- Phù hợp với xu hướng chung của thế giới, trong "Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020” số 14/2005/NQ-CP của Chinh phủ ban hành ngày 2/11/2005 có nêu về yêu cầu giáo dục đào tạo sinh viên trong thời kỳ mới: "Phát triển tiềm năng nghiên cứu sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp, năng lực hoạt động trong cộng đồng và khả năng lập nghiệp của người học" (12).
3. VỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC Ở ĐẠI HỌC
3.1. Phù hợp với yêu cầu về mục tiêu và nội dung dạy và học đại học vừa phân tích trên, yêu cầu về phương pháp dạy học trong giai đoạn mới của GDĐH nước ta là gì?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phân tích sâu thêm về điều kiện công nghệ và phương tiện dạy học hiện nay. Nhân loại đã từng sử dụng công nghệ và phương tiện vào việc dạy và học từ xa xưa, nhưng chưa bao giờ khoa học và công nghệ có những bước tiến phi thường như ngày nay. Ở đây chúng ta sẽ chỉ giới hạn nói về lĩnh vực CNTTTT, đặc biệt là CNTTTT mới (gọi CNTTTTM khi có tính đến mạng Internet), công nghệ phát triển nhanh nhất, tạo nên những thành tựu bất ngờ nhất, và trực tiếp khai sinh nền kinh tế tri thức. Với CNTTTTM, một cuộc cách mạng giáo dục thật sự đang và sẽ xảy ra đối với nhân loại (11).
Trước hết phải nói là máy tính điện tử biến đổi và hiện đại rất nhanh: công suất và tốc độ tăng, kích thước thu nhỏ; đồng thời càng hiện đại càng dễ sử dụng, và giá thành cũng giảm xuống rất nhanh. Người ta thường nêu ra 3 định luật mô tả tốc độ phát triển và hiệu quả của CNTTTTM: định luật Moore, định luật về dải truyền (bandwidth) khẳng định rằng dung năng truyền thông (bandwidth communication capacity) tăng gấp đôi trong vòng cỡ 12 tháng; định luật Metcalf cho biết giá trị của một mạng máy tính tăng tỉ lệ với bình phương số máy tính được nối trong mạng (6). phát biểu rằng công suất của máy tính điện tử cứ tăng gấp đôi trong khoảng 18 tháng;
Chính do đặc điểm của CNTTTTM và tốc độ tăng trưởng của nó mà công nghệ đó tác động to lớn và toàn diện đến xã hội loài người, và hiển nhiên cũng tác động mạnh mẽ trực tiếp đến giáo dục. Với sự tiến bộ phi thường của khoa học và công nghệ và đặc biệt của CNTTTTM, người ta đã đánh giá rằng khối lượng thông tin và tri thức đã và đang tăng theo hàm mũ (đối với các loại khoa học cơ bản tri thức tăng gấp đôi sau 5-7 năm, còn đối với các loại khoa học và công nghệ mới thì tri thức tăng gấp đôi sau 5-7 tháng). Trong tình hình đó, cách học nói chung và đặc biệt là cách học ở đại học không thể giữ nguyên như khoảng nửa thế kỷ trước đây. Nếu trước kia người ta có thể sử dụng thời gian 4, 5 năm đại học để trang bị một vốn tri thức về một nghề nghiệp cao cấp nào đó cho một sinh viên để anh ta sử dụng hầu như trong cả cuộc đời hành nghề của mình, thì ngày nay điều đó là hoang tưởng. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, vòng đời của mọi công nghệ đều rất ngắn, tri thức tiếp thu được qua mấy năm học ở đại học lạc hậu rất nhanh. Nếu vẫn tập trung vào mục tiêu trang bị tri thức, thì dù có kéo dài bao nhiêu lần thời gian học ở đại học cũng không giải quyết được mâu thuẫn đã nêu. Trong trường hợp đó, không có cách nào khác là chỉ trang bị kiến thức nền tảng, kỹ năng cơ bản và dạy cách học cho sinh viên, tạo cho họ khả năng, thói quen và niềm say mê học tập suốt đời.
3.2. Với yêu cầu vừa nêu về nội dung và phương pháp dạy và học ở đại học nước ta ngày nay, cần lựa chọn các phương pháp nào để dạy và học?
Phương pháp dạy và học có rất nhiều và rất đa dạng, có thể tìm trong nhiều sách và tạp chí nghiên cứu về giáo dục. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ở đây không thể và không nên khuyến cáo bằng một danh mục cụ thể các phương pháp dạy và học, mà chỉ nên bàn về các tiêu chí mà ta có thể dựa vào đó để lựa chọn phương pháp.
Sau đây chúng tôi xin đề nghị 3 tiêu chí quan trọng để lựa chọn phương pháp dạy và học ở đại học.
- Trước hết cần quan niệm việc DẠY CÁCH HỌC, HỌC CÁCH HỌC để tạo thói quen, niềm say mê và khả năng học suốt đời là tiêu chí bao quát hàng đầu của việc dạy và học ở đại học. Mọi phương pháp dạy, phương pháp học, nội dung cần dạy, nội dung cần học đều phải xuất phát từ đó. Trong chương trình đào tạo đại học nói chung phải chú trọng loại kiến thức nền tảng chứ không phải loại kiến thức về một quy trình cụ thể, vì kiến thức nền tảng tạo cho người học một cái nền vững chắc để tiếp tục học tập những thứ cụ thể khác. Cũng vậy, kỹ năng cơ bản là công cụ để học suốt đời (chẳng hạn, kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng về một ngoại ngữ quan trọng …chứ không phải kỹ năng sử dụng một cái máy cụ thể, kỹ năng thao tác một quy trình cụ thể). Trong từng lĩnh vực, từng môn học có mênh mông các nội dung, các vấn đề để học, người giảng viên phải biết chọn nội dung gì, vấn đề gì mà khi học thì học viên được rèn luyện năng lực tư duy cao cấp, được học cách học tốt nhất. Ngoài ra, bằng cách khêu gợi sự tò mò, bằng cánh tạo sự hấp dẫn của tri thức và bằng tấm gương học tập của chính bản thân mình, giảng viên cố gắng tạo nên niềm say mê học tập cho học viên.
- Tiếp đến, tính CHỦ ĐỘNG CỦA NGƯỜI HỌC là phẩm chất quan trọng cần tập trung phát huy khi dạy và học ở đại học. Trong những năm gần đây các nhà sư phạm trên thế giới và ở nước ta thường bàn đến các quan điểm sư phạm, các cách tiếp cận trong việc dạy và học. Cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm hoặc hướng vào người học (learner centered) được nhiều người tán thưởng. Chúng tôi cũng nhất trí với quan điểm này, vì nó cho thấy mục tiêu cuối cùng, bản chất của quá trình dạy và học, và bởi lẽ việc học thực chất là có tính cá nhân (individual). Khi nói đến quan điểm lấy người học làm trung tâm nguyên tắc quan trọng nhất là phát huy tính chủ động của người học.
Phù hợp với quan điểm này và cũng phù hợp với cách tiếp cận thông tin là một quan niệm về việc học mà chúng tôi xin nêu lại ở đây: “Học là quá trình tự biến đổi mình và làm phong phú mình bằng cách chọn nhập và xử lý thông tin lấy từ môi trường xung quanh” (7)(8). Rõ ràng quan niệm này về học là rất rộng và rất khái quát, cho thấy rõ tính cá nhân của việc học. Người thầy trong quan niệm này ở vị trí ẩn, tác động bằng cách giúp người học chọn, nhập và xử lý thông tin.
Khi nói về phương pháp sư phạm tương tác, các tác giả công trình (9) đã nêu 3 tác nhân mà phương pháp đó quan tâm: người học, người dạy và môi trường. Họ nhấn mạnh: người học là người đi học chứ không phải người được dạy (tính tự nguyện và chủ động), nhiệm vụ của người dạy là giúp đỡ người học, phục vụ người học để làm nảy sinh tri thức ở người học, còn môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh và bên trong người học là tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến việc dạy và học. Các tác nhân này hợp thành một bộ ba có thể biểu diễn bằng 3E theo tiếng Pháp (étudiant, enseignant, environnement). Như sự giải thích của các tác giả về vai trò của hai tác nhân người học và người dạy, tác nhân người học vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Ngoài ra, so với cách tiếp cận thông tin đã nêu trên, môi trường ở đây chính là nơi chứa thông tin. Với cách hiểu như vậy quan niệm sư phạm tương tác không mâu thuẫn với các quan niệm lấy người học làm trung tâm, mà chỉ nhấn mạnh hơn vai trò của tương tác, tức là cho thấy rõ tính chất động của quá trình dạy và học. Trong quá trình giảng dạy, bản thân việc tăng sự tương tác cũng thúc đẩy tính chủ động của người học.
Với các quan niệm về dạy và học vừa nêu, chúng tôi rất tâm đắc với sơ đồ sau đây biểu diễn mối quan hệ giữa các yếu tố quan trọng nhất trong quátrình dạy và học: mục tiêu, nội dung, phương pháp. Nếu coi 3 yếu tố Mục tiêu (MT), Nội dung (ND), Phương pháp (PP) là 3 đỉnh của một tam giác thì cả 3 yếu tố đó có tương quan với nhau và đều hướng vào cái đích chung là người học, "lấy người học làm trung tâm" (10)
Qua những lý giải trên đây, chúng ta có thể thấy sự vận động của nhân tố người học là quan trọng nhất để làm cho hoạt động HỌC thật sự được diễn ra và nâng cao hiệu quả của quá trình dạy và học. Đó là lý do vì sao chúng tôi muốn nêu việc phát huy tính CHỦ ĐỘNG của người học là nguyên tắc quan trọng nhất của quá trình dạy và học ở đại học.
- Trong thời đại hiện nay CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG MỚI là giải pháp quan trọng cần triệt để khai thác khi dạy và học ở đại học.
Sử dụng công nghệ trong dạy và học là chuyện bình thường trước đây, vậy tại sao ngày nay người ta lại rất nhấn mạnh đến việc sử dụng công nghệ mới? Trước hết, như đã nêu trước đây, chúng ta đang sống trong thời đại mà khối lượng thông tin và tri thức tăng nhanh theo hàm mũ, đó là hệ quả của sự tiến bộ nhảy vọt của CNTTTTM. Trong khung cảnh đó, cũng chính CNTTTTM có thể giúp con người chọn nhập và xử lý thông tin nhanh chóng để biến thành tri thức. Ngoài ra, công nghệ mới là một khía cạnh văn hoá của thế giới mới, và như mọi thứ văn hoá, nó sẽ được tiếp nhận tốt nhất ở tuổi trẻ, nó giúp người học định hướng tư duy và thái độ của mình trong thời kỳ mới. Từ đó cần qua dạy và học làm cho thế hệ trẻ nhanh chóng làm quen và sử dụng công nghệ mới một cách đúng đắn, để hình thành phong cách văn hoá mới.
Tóm lại, trong bối cảnh của thời kỳ mới và trong giai đoạn mới của sự phát triển GDĐH, có thể đề xuất 3 tiêu chí quan trọng để dựa vào khi chọn một hệ phương pháp dạy và học cho từng trường hợp cụ thể:
- Tiêu chí bao quát hàng đầu của việc dạy và học là dạy CÁCH HỌC;
- Phẩm chất cần phát huy mạnh mẽ là tính CHỦ ĐỘNG của người học;
- Công cụ cần khai thác triệt để là CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG MỚI.
Để dễ nhớ, có thể gọi đây là hệ tiêu chí 3C để lựa chọn phương pháp dạy và học ở đại học trong thời kỳ hiện nay.
Trong "Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020” số 14/2005/NQ-CP của Chinh phủ ban hành ngày 2/11/05 đã nêu 3 tiêu chí trên khi nói về việc đổi mới phương pháp daỵ và học trong các trường đại học (12).
4. VỀ VAI TRÒ VÀ VỊ TRÍ CỦA NHÀ GIÁO ĐẠI HỌC TRONG THỜI ĐẠI THÔNG TIN
Thời đại thông tin đã tạo những cơ hội mới, nhưng cũng đặt nhà giáo đại học trước những thách thức mới. Vậy nhà giáo đại học phải làm gì trước tình hình đó?
Tư liệu của Hội nghị Paris về GDĐH có nêu tóm tắt yêu cầu đối với một "nhà giáo mới" ở đại học: "Phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ".(11)
Như đã nói, nhà giáo đại học hiện nay không còn là người truyền thụ kiến thức, mà là người hỗ trợ hướng dẫn tìm kiếm, chọn, nhập và xử lý thông tin. Từ đó có người hỏi: vậy thì vị trí của nhà giáo trong thời đại mới như thế nào, họ có bị “ra rìa” không, câu ngạn ngữ "không thầy đố mày làm nên" của dân ta có còn đúng nữa không?
Chúng tôi cho rằng vai trò của nhà giáo thay đổi, nhưng vị trí của nhà giáo hoặc là không đổi, hoặc là được nâng cao hơn so với trước đây, nếu nhà giáo thoả mãn được những đòi hỏi của thời đại mới.
Thật vậy, trong khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục từ xa, Hội nghị Paris về GDĐH cho rằng trong giáo dục phương thức giáo dục mặt đối mặt vẫn chiếm vị trí hàng đầu, tác dụng của sự tương tác trong việc dạy và học luôn luôn được nhấn mạnh. Trong mối tương tác đó, vị trí của một đối tác có bề dày về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm tìm kiếm, chọn, nhập và xử lý thông tin sẽ nổi trội, sự đóng góp của đối tác đó trong quá trình học sẽ rất lớn không phải bằng sự độc quyền về thông tin và tri thức có tính đẳng cấp, mà bằng trí tuệ và sự từng trải của mình. Rõ ràng là nhà giáo đại học có thể và cần phải khẳng định vị trí của mình trong các mối tương tác đó.
Nhà giáo đại học hiện nay có sứ mạng đi đầu để chuẩn bị cho một cuộc cách mạng thực sự về giáo dục như đã dự báo. Vai trò tiên phong đó sẽ nâng vị trí của nhà giáo đại học lên rất nhiều so với trước đây. Với cơ hội mà CNTTTTM đưa lại, những kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo thật sự có giá trị của bất kỳ một cá nhân nhà giáo nào cũng dễ dàng được truyền bá rộng rãi đến số lượng người học đông hơn nhiều so với trước đây, không chỉ giới hạn trong bốn bức tường lớp học mà có thể lan rộng ra cả nước và thậm chí vượt qua mọi biên giới quốc gia, điều đó làm cho vị trí của nhà giáo đại học thật sự được nâng lên cao hơn nhiều so với trước đây.
Rõ ràng là vị trí của nhà giáo đại học trong thời đại thông tin không hề giảm, và có cơ hội tăng lên. Tuy nhiên việc có giữ vững và nâng cao được vị trí đó hay không còn tuỳ thuộc vào sự phấn đấu của bản thân từng nhà giáo để đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới. Chúng ta có thể hy vọng, trước những cơ hội và thách thức của thời đại mới, đa số nhà giáo đại học chúng ta sẽ không bị “ra rìa”.
-------------------------------------
1) Văn kiện Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam. NXB Sự thật, Hà Nội, 2001.
2) Jacques Delors - “Learning: The Treasure Within”. (Report to UNESCO of the International Commission on Education for the Twenty-first Century), UNESCO, Paris, 1996.
3) Syntheis Report on Trends and Development in Higher Education since the World Conference on Higher Education (1998-2003), UNESCO Paris, 2003.
4) Bloom B.S. Taxonomy of Educational Objectives: The Classification of Educational Goals. Handbook 1. Cognitive Domain. New York, McKay, 1956.
5) Quyết định 2677/GD-ĐT ngày 3/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6) Jack M. Wilson - The Technologycal Revolution – Reflection on the Proper Role of Technology in Higher Education, trong: “In Defence of American Higher Education”. The JohnsHopkinsUniversity Press, 2001.
7) Michel Develay- Peut-on Former les enseignants? ESF Editeur. Paris. 1994.
8) Lâm Quang Thiệp - Việc dạy và học ở đại học và vai trò của nhà giáo đại học trong thời đại thông tin, Giáo dục học Đại học, ĐHQGHN, 2000.
9) Jean-Marc Denommé & Madeleine Roy - Tiến tới một phương pháp sư phạm tương tác, NXB Thanh niên, 2000.
10) Nguyễn Ngọc Quang – trong: ‘Nguyễn Ngọc Quang, nhà sư phạm, người góp phần đổi mới lý luận dạy học”, NXB ĐHQG, 1998.
11) Higher Education in the Twenty-first Century - Vision and Action. World Conference on Higher Education. UNESCO Paris. October 1998.
12) "Nghị quyết về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020” số 14/2005/NQ-CP của Chinh phủ ban hành ngày 2/11/05