Search

Phiếu đánh giá của sinh viên có lợi ích gì ?

Giống như nhiều hoạt động trong thế giới kết nối toàn cầu ngày nay, các phiếu đánh giá của sinh viên – những bản đánh giá giấu tên của sinh viên khi kết thúc mỗi khóa học để làm căn cứ thẩm định chất lượng giảng dạy của các giáo viên – vốn xuất xứ từ Mỹ, nay đã phổ biến ở nhiều trường đại học trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng có những ưu điểm nhất định nhưng cũng không ít nhược điểm.
Phiếu đánh giá của sinh viên có lợi ích gì ?
David Pickus
Trường ưu tú Barrett, thuộc Đại học Bang Arizona

Phiếu đánh giá của sinh viên là gì? Câu hỏi này không thể trả lời chính xác, vì người ta không thống nhất một khuôn mẫu chung cho bản đánh giá, và càng không thống nhất về cách thức đánh giá. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi không có một chuẩn mực chung cho phiếu đánh giá của sinh viên. Thay vào đó, các trường, khoa, tự tạo ra mẫu phiếu đánh giá riêng và yêu cầu các giảng viên phân phát cho sinh viên trước khi kết thúc mỗi khóa học.

Tuy nhiên, các phiếu đánh giá tại các trường ở Mỹ có những đặc thù chung dễ thấy, với hai cấu phần căn bản. Thứ nhất, một phiếu chấm điểm trong đó sinh viên được đề nghị chấm điểm chất lượng cho lớp học và giảng viên một cách định lượng. Cách thức tiến hành thường đơn giản chỉ là đánh dấu các ô trống. Thứ hai, một phần để trống dành cho nhận xét của sinh viên, nơi sinh viên có thể đánh giá lại, qua một tới hai khổ ngắn, về kinh nghiệm của mình đối với lớp học. Ngoại trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, sinh viên thường không phải ký tên, và người ta cố gắng giữ danh tính người đánh giá được bí mật.

Vì sao lại có những đặc điểm chung này? Câu trả lời thường không rõ ràng. Trong thực tế, người ta có thể nói những điều đại khái như “chúng ta luôn làm như vậy”, hay là “như thế giúp cung cấp kết quả chính xác nhất”. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, không phải ngẫu nhiên mà các phiếu đánh giá của sinh viên trên khắp nước Mỹ có sự tương đồng. Nguyên nhân là, một cách vô thức, các đại học đã áp dụng các kỹ thuật người ta vẫn dùng cho việc nghiên cứu thị trường, và các kỹ thuật phân tích quan điểm công chúng.

Đây chính là điều cần lưu tâm dù người ta thường không để ý. Các nghiên cứu về thị trường và nghiên cứu về thái độ, hành vi khách hàng đóng một vai trò rất mạnh trong việc hình thành các quyết định và chính sách ở Mỹ. Thật vậy, chẳng có quyết định nghiêm túc trong bất kỳ lĩnh vực nào – từ kem đánh răng cho tới chính sách chính trị - được đưa ra mà không dựa vào những nghiên cứu kỹ lưỡng về quan điểm của thị trường, cùng vô vàn những phân tích thống kê các dữ liệu thu thập được. Tuy thực tế này thường không được lưu tâm, nhưng các phiếu đánh giá của sinh viên được dùng thường xuyên bởi các trường đại học có thể coi như một hình thức nghiên cứu thị trường. Như vậy, trong nhiều thập kỷ, và theo nhiều cách khác nhau, các cơ sở giáo dục của Mỹ đã cố gắng tìm hiểu các “khách hàng” của mình cảm nhận thế nào về “sản phẩm” mà họ đã dùng, và bản đánh giá của sinh viên chính là một công cụ thăm dò được sử dụng lâu dài nhất.

Điều này không chỉ xảy ra ở Mỹ. Các phiếu đánh giá của sinh viên ngày nay phổ biến ở nhiều quốc gia, cũng như hoạt động nghiên cứu thị trường ngày nay được thực hiện trên toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, có một hiện tượng đáng quan tâm. Khi các nghiên cứu về quan điểm khách hàng và công chúng bắt đầu xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, chúng thường gắn với lợi ích của những nhóm thượng lưu nào đó, ví dụ như một nhóm chuyên gia học thuật và các nhà quản lý cùng thu thập, phân tích các dữ liệu chỉ dành cho riêng họ được sử dụng. Điều này được duy trì cho tới khi Internet xuất hiện. Internet có thể giúp thu thập và truyền thông tin nhanh chóng, thuận tiện hơn bất kỳ công cụ truyền thông nào khác trong lịch sử. Kết quả là, quan điểm của công chúng về bất kỳ điều gì, bao gồm cả đội ngũ giảng dạy ở một trường đại học nào đó, ngày nay có thể được đăng tải dễ dàng trên Internet.

Việt Nam cũng tất yếu là một phần trong tiến trình này. Ngày nay, các hoạt động nghiên cứu về thị trường và quan điểm công chúng ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng đối với các nhà quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Trong đời sống thường nhật, người Việt Nam ngày càng đưa lên Internet nhiều những ý kiến và kinh nghiệm của họ. Trong bối cảnh ấy, chúng ta càng cần đặt ra câu hỏi, rằng việc phân phát những phiếu đánh giá của sinh viên ở các trường đại học sẽ mang lại ích lợi gì, đâu là ưu điểm và nhược điểm của việc áp dụng loại hoạt động này?

Hãy bắt đầu tư các nhược điểm. Trên khắp thế giới, bạn có thể tìm thấy những thành ngữ phê phán những thứ không được định hình rõ ràng, chẳng ra thứ này, cũng chẳng thành thứ kia (trong tiếng Anh có câu: “chẳng phải cá cũng chẳng phải chim”). Đây chính là nhược điểm cơ bản ở các phiếu đánh giá của sinh viên. Chúng không phải là những bản đánh giá ngẫu nhiên, tình cờ, như những dạng đánh giá đăng trên các trang Internet như TripAdvisor. Chúng được tiến hành trong môi trường đúng ra cần có tính kiểm soát, sắp đặt cao, bởi vì kết quả của chúng là căn cứ quan trọng để lãnh đạo trường học đưa ra các quyết định về bổ nhiệm, nâng bậc, hay thậm chí sa thải một giáo viên. Nhưng thực tế thì rất khó kiểm soát mức độ chính xác của chúng.

Sau đây là một số lý do khiến bạn không thể thực sự tin tưởng vào các phiếu đánh giá của sinh viên:

Không thể biết chắc chắn những phiếu này đánh giá điều gì. Khi các sinh viên phản ánh quan điểm của họ về một lớp học và giảng viên, họ có thể khách quan và cũng có thể chủ quan. Họ có thể rất thích môn học nhưng giảng viên đã dạy quá tồi. Nhưng cũng có thể họ chẳng hề thích môn học, và giảng viên kiểu gì cũng đành phải bó tay. Và đôi khi, cảm nhận của sinh viên ở đây chẳng liên quan gì tới vấn đề giáo dục, có thể đơn giản là họ thích một giảng viên vì kiểu tóc chẳng hạn. Ở đây tôi không phê phán sinh viên, mà muốn nói rằng chẳng có gì ngăn sinh viên đánh giá các câu hỏi theo động cơ riêng, và bởi vì những động cơ này chẳng bao giờ được bộc lộ rõ ràng, nên chúng ta chẳng bao giờ biết được chính xác những phiếu đánh giá của sinh viên phản ánh điều gì.

Phiếu đánh giá của sinh viên phản ánh khá rõ những vấn đề sư phạm đơn giản. Ví dụ như khi một giảng viên thường xuyên đến muộn, hay giảng bài quá nhanh. Tuy nhiên, với các vấn đề nghiêm túc thì đa số thường phức tạp hơn nhiều, và gần như không thể có một sự đồng thuận về cách đánh giá những dữ liệu không rõ ràng. Ví dụ, nếu sinh viên nói rằng họ thích một giảng viên, nhưng không thích các bài tập giao về nhà, thì liệu chúng ta có thể kết luận rằng giảng viên có khiếm khuyết trong việc giao bài tập về nhà. Ở đây, dữ liệu không nói lên điều gì chắc chắn, và khi không có ý thức về thực tế này, đa số mọi người khi đọc các phiếu đánh giá của sinh viên sẽ tự mình dùng một hệ quy chiếu đánh giá riêng. Thường thì đây không phải là vấn đề lớn, nhưng nó có thể dẫn tới sự không công bằng, khi mà người ta thường dùng những hệ quy chiếu hà khắc hơn đối với những ai mà cá nhân họ không thích.

Các phiếu đánh giá có một nhược điểm cố hữu. Nếu người ta không coi chúng là những căn cứ nghiêm túc, thì chúng trở thành một trò đùa, và sinh viên và giảng viên sẽ không còn coi trọng chúng nữa. Ngược lại, nếu người ta tin tưởng nhiều ở các phiếu đánh giá này, ví dụ như khi họ dùng chúng như một căn cứ quan trọng để quyết định xem sẽ nhận hay không nhận một giảng viên, thì các hành vi của con người sẽ bị thiên lệch, theo hướng tìm cách tạo ra phiếu đánh giá tốt thay vì giảng dạy tốt. Khi ấy, các giảng viên có thể sẽ thay đổi giáo trình của họ để thỏa mãn ý thích của sinh viên, cho dù như vậy có thể làm giảm chất lượng giáo dục. Hoặc là họ có thể “đút lót” cho sinh viên những điểm số cao hơn thực lực. Về phía sinh viên, nếu họ biết rằng những bản đánh giá này có tác động lớn tới các chính sách và quyền lợi giáo viên trong trường, thì họ có thể tìm cách tác động tới giảng viên để đáp ứng lợi ích cá nhân của mình, dù lợi ích đó có thể không tốt cho lợi ích của toàn thể trường lớp. Có lẽ câu trả lời ở đây là nên tìm một giải pháp trung dung, nghĩa là những bản đánh giá này không nên bị phớt lờ, và cũng không nên được coi trọng quá. Tuy nhiên, không phải dễ để xác định ra mức độ trung dung này.

Nhược điểm cuối cùng là, các thủ thuật thống kê không giúp được nhiều trong việc điều chỉnh những thiên lệch nói trên. Ở một số nơi người ta nghĩ rằng các phương pháp thống kê có thể giúp đạt được những kết quả đánh giá khách quan trên những dữ liệu thu được từ các phiếu đánh giá của sinh viên. Và đúng là khi xem xét các xu hướng thì tốt hơn là nhìn nhận trên số liệu thống kê thay vì những cảm nhận định tính trong ký ức và nhận thức của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, có nhiều hạn chế trong việc áp dụng các thủ thuật thống kê đối với các phiếu đánh giá của sinh viên. Thứ nhất, để có thể dùng cho công tác thống kê, cần xác định rõ đơn vị đo lường của dữ liệu. Nhưng với các phiếu đánh giá, chúng ta chỉ có thể làm được điều này đối với những số liệu ít quan trọng hơn, ví dụ như số lượng người đánh dấu vào ô trả lời câu hỏi “giáo viên của bạn có thường đến muộn?”. Với những vấn đề quan trọng hơn, ví dụ như “tài liệu giảng dạy mà giáo viên của bạn dùng có chất lượng cao hay thấp?”, con số không phản ánh được gì nhiều, và khó lòng gán cho nó một đơn vị đo lường. Đây chính là mấu chốt vấn đề: các con số thống kê chỉ có ý nghĩa rõ ràng trong những trường hợp khi thực tế đã quá hiển nhiên. Còn khi thực tế không rõ ràng, các con số chỉ có giá trị tham khảo hạn chế. Ví dụ, nếu sinh viên đánh giá một giáo viên thấp điểm hơn những người khác ở mức 9,7%, hay 13,8%, thì liệu phải chăng đó thật sự là một giáo viên tồi? Những kết quả không rõ ràng như vậy không mấy hữu ích cho chúng ta, và ngành thống kê khó có thể làm gì để cải thiện điều này.

Từ những nhược điểm trên đây, người ta dễ đi đến kết luận là không nên mất công làm các phiếu đánh giá của sinh viên. Nhưng kết luận như vậy là sai. Dù có những nhược điểm nhưng có hai lý do khiến tất cả các bên liên quan, từ sinh viên, nhà trường, tới các giảng viên, đều được hưởng lợi từ các phiếu đánh giá của sinh viên. Tuy nhiên, lưu ý rằng cả hai lý do đều đến từ những thực tế về bản tính con người, hơn là từ những căn cứ dựa trên số liệu.

Thực tế thứ nhất về bản tính con người là người ta thường khó có thể tự thay đổi những suy nghĩ cố hữu của bản thân mình. Hơn nữa, họ thường nghĩ về bản thân với những suy nghĩ tốt đẹp, và không để ý tới những yếu tố có thể ảnh hưởng tới thói quen suy nghĩ của họ. Khoa học gọi quá trình này là “thiên lệch mang tính chọn lọc”, khiếm khuyết mà đa số chúng ta ít nhiều đều có. Điều khác biệt ở mỗi người chỉ là mức độ cố gắng điều chỉnh nó theo cách mang tính xây dựng. Các phiếu đánh giá của sinh viên hữu ích ở chỗ chúng là công cụ để các giáo viên nhận diện những “thiên lệch mang tính chọn lọc” của mình. Cho dù các dữ liệu trong những phiếu đánh giá không phải khi nào cũng rõ ràng, nhưng mỗi giáo viên đều có thể tự hỏi “vì sao sinh viên của mình nhìn nhận theo cách của họ?” Suy nghĩ về câu hỏi này luôn là điều hữu ích.

Thực tế thứ hai về bản tính con người là họ chỉ nhớ về những điều mà họ muốn nhớ. Hậu quả là họ thường quên mất cuộc sống đã thay đổi như thế nào. Một chức năng hữu ích của các phiếu đánh giá của sinh viên là chúng cung cấp một hồ sơ của những quan điểm trong quá khứ. Điều này cho phép các nhà quản lý nhìn nhận được các xu hướng thay đổi, và nhìn ra cái gì đáng phải quan tâm hoặc điều chỉnh. Dù sự đánh giá các xu hướng này không tránh khỏi chủ quan, nhưng dù sao vẫn ít chủ quan hơn là nhìn nhận mọi việc theo trí nhớ thông thường. Như vậy, hồ sơ các phiếu đánh giá của sinh viên, nếu được dùng một cách nghiêm túc, có thể coi là một công cụ khách quan hơn để nhìn nhận quá khứ.

Nói một cách ngắn gọn, các phiếu đánh giá của sinh viên có cả hai mặt, xấu và tốt. Vậy phải so sánh tương quan hai mặt như thế nào? Mấu chốt ở đây là những điều chúng ta đã đề cập từ đầu. Các phiếu đánh giá của sinh viên là một dạng phiếu điều tra quan điểm công chúng, được xây dựng một cách không hoàn hảo và không được kiểm soát một cách khoa học. Chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn về mức độ chính xác của những kết luận mà chúng phản ánh. Nhưng nếu bỏ qua quan điểm công chúng thì hậu quả còn tai hại hơn. Trong thế kỷ 21, quan điểm của công chúng sẽ luôn được chia sẻ theo cách này hay cách khác, và tốt nhất là nên nhận biết rõ cách thức chúng được biểu đạt. Vì vậy, tôi cho rằng các trường đại học của Việt Nam nên áp dụng các phiếu đánh giá của sinh viên. Nhưng đừng quên rằng cái được phản ánh ở đây thuần túy là những cảm nhận của con người, không hơn và không kém.
  • Chia sẻ

Bài viết trước

Đào tạo theo tín chỉ ở Mỹ

Bài tiếp tiếp theo

Giới thiệu chương trình thạc sĩ Công nghệ thực phẩm